Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người nuôi cá tra được bảo vệ
20 | 12 | 2013
Từ nay, các hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL sẽ được bảo vệ quyền lợi khi bán cá cho doanh nghiệp bằng hợp đồng do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam soạn thảo.

 Sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt ở 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 98% thị phần cá tra thế giới nhưng giá xuất khẩu vẫn luôn bấp bênh. Điều này được các đại biểu đưa ra bàn luận tại hội thảo “Phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cá tra tại ĐBSCL” do Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 19-12 tại TP Cần Thơ.

 
Dễ “làm giá”
 
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 10 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỉ USD. Dự kiến cả năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 1,8 tỉ USD, tương đương năm 2012. Hiện mặt hàng cá tra chiếm 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước, đứng thứ 2 sau tôm. Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu lớn cá tra của Việt Nam.
 
Ông Hòe thông tin: “Giá phi-lê cá tra đông lạnh Việt Nam các cỡ trên thị trường Mỹ trong năm 2013 đều sụt giảm so với các năm trước. Hiện giá cá tra phi-lê đông lạnh đang dao động ở mức 1,7 USD/pound”.
 
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty VietEuro, đặt vấn đề: “Tuy các nước giảm nhập khẩu nhưng cá tra vẫn đứng thứ 5 tại thị trường châu Âu và thứ 6 trong danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ và châu Âu. Việt Nam xuất khẩu cá tra chiếm khoảng 98% thị phần trên thế giới và nói đến cá tra thì người nước ngoài đều biết đó là loài cá có xuất xứ từ Việt Nam. Như vậy, liệu chúng ta có thể “làm giá” mặt hàng này được hay không, điều này Hiệp hội Cá tra cần quan tâm”. Nhiều đại biểu chỉ ra rằng chỉ cần nâng cao chất lượng cá tra thì việc “làm giá” sẽ dễ dàng.
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, kiến nghị: “Có nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh nhưng không có chế tài. Hiệp hội Cá tra thấy DN nào bán phá giá, vi phạm luật cạnh tranh thì xử lý ngay để không ảnh hưởng đến hình ảnh con cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới”.
 
Cân bằng lợi ích
 
Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long, ngậm ngùi: “Giá thành sản xuất cá tra từ 22.500-23.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ từ 18.000-19.000 đồng/kg. Từ tháng 3-2012 đến nay, giá mua nguyên liệu cá tra luôn dưới giá thành 2.000 - 4.000 đồng/kg. Hiện sản lượng cá chủ yếu vẫn do các nhà máy đầu tư nuôi, còn nông dân nuôi rất ít do thua lỗ, nhiều hộ đã treo ao hoặc đi nuôi gia công cho nhà máy”. 
 
Một nghịch lý xảy ra đối với ngành cá tra hiện nay là một mình một chợ nhưng giá bán dưới giá thành, người nuôi lỗ nặng. Bên cạnh đó, người nuôi còn đối mặt với tình trạng DN mua cá xong thì quỵt nợ, bỏ trốn hoặc cù nhầy việc trả nợ. 
 
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC, cho biết: “Qua nghiên cứu một số bản án mà nông dân kiện DN, chúng tôi thấy rằng mẫu hợp đồng mua bán cá đều do DN soạn, một số điều khoản gây bất lợi cho nông dân. Thẩm quyền ký kết hợp đồng chưa được các bên chú ý và có trường hợp giao kèo bằng miệng nên dễ dẫn đến tranh chấp”.
 
Cũng theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, trước tình hình này, VIAC đã bảo trợ soạn thảo mẫu hợp đồng sử dụng cho DN và người nuôi cá trong nước nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa 2 bên. VIAC đã sưu tầm nhiều hợp đồng, các bản án có tranh chấp và mời thẩm phán từng xét xử, luật sư tham gia vụ án, chuyên gia các trường đại học phân tích, rồi xây dựng mẫu hợp đồng này. 
 
“Bước đầu, mẫu hợp đồng “nội” có thể cân bằng lợi ích giữa 2 bên và VIAC đã bàn giao cho Hiệp hội Cá tra phổ biến đến nông dân và DN. Nếu DN có dấu hiệu lừa đảo, người nuôi cá có thể nhờ công an vào cuộc; nếu chỉ tranh chấp về chất lượng, số lượng, thời hạn giao hàng… thì người nuôi có thể chọn VIAC để giải quyết. Ngoài ra, VIAC cũng xây dựng hợp đồng “ngoại” nhằm giảm thiểu rủi ro cho DN khi ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài” - luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết.
 
Chú trọng thị trường nội
 
Theo ông Trương Đình Hòe, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2014 dự kiến giảm 5% so với năm 2013 do thị trường Mỹ tăng trưởng chậm trong khi thị trường châu Âu lượng tiêu thụ tương đương năm nay. Khuynh hướng giá xuất khẩu có khả năng tăng nhẹ vào năm sau vì nguồn cá nguyên liệu trong nước giảm do chính sách thắt chặt tín dụng của ngân hàng, DN khó tiếp cận vốn đầu tư, còn nông dân thua lỗ treo ao. 
 
Ông Nguyễn Trọng Thừa khuyến cáo: “Qua thống kê, chỉ có 1,5% sản lượng cá tra cung cấp cho thị trường trong nước, thậm chí có những vùng không biết cá tra ra sao. Nước ta có đến 90 triệu dân, nhu cầu lớn nên các DN cần quan tâm đến thị trường nội địa”.


Theo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường