Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra Việt Nam đang bị "đánh hội đồng"?
09 | 12 | 2010
Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, thời gian gần đây, cá tra Việt Nam đã bị "đánh hội đồng" trên thị trường châu Âu.

Và gần đây nhất, con cá tra còn bị EU đưa vào mặt hàng có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá… Tuy nhiên, cũng có nhiều tập đoàn bán lẻ thủy sản lớn tại Anh như Findus Group và Birds Eye Group lại lên tiếng bảo vệ sản phẩm cá tra cũng như môi trường nuôi cá tra.

Chiều 7/12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã có cuộc họp báo xung quanh việc Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) đưa cá tra vào danh sách đỏ trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản. Có thể nhận thấy, sau rất nhiều lần bị "dọa" sẽ kiện thuế chống bán phá giá, hành động trên của WWF đã chứng tỏ cá tra của Việt Nam đang bị đối xử không công bằng và đây là một "nước cờ" cạnh tranh không lành mạnh.

Khẳng định với báo chí trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP cho biết, trong buổi làm việc giữa VASEP và đại diện Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên Việt Nam (WWF Việt Nam) chiều 6/12, thông tin chính thức về việc cá tra bị đưa vào Sách Đỏ như sau: Một số các sản phẩm cá tra Việt Nam vừa bị các thành viên của WWF ở 6 nước bao gồm Đức, Áo, Thụy Sỹ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch chuyển từ "danh sách da cam" (sản phẩm có thể cân nhắc sử dụng) sang "danh sách đỏ" (sản phẩm không nên sử dụng) trong các bản hướng dẫn người tiêu dùng năm 2010 - 2011 ở các nước trên.

Đây là kết quả khảo sát của một công ty tư vấn độc lập do WWF các nước này thuê, tiến hành đánh giá hơn 100 loài thủy sản thực phẩm trên thế giới theo bộ tiêu chí phát triển bền vững mới sửa đổi của WWF.

Theo ông Dũng, ý kiến đánh giá trên là thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tế. "Việc này có thể gây thiệt hại rất lớn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín về tính khách quan, trung thực và minh bạch trong hành động của bản thân tổ chức WWF", ông Dũng khẳng định.

Trong cuốn Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 của WWF tại 6 nước trên, cá tra được đưa vào danh sách đỏ với hầu hết lý do chủ yếu là môi trường nuôi cũng như việc sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra "có vấn đề".

Nhà lãnh đạo thủy sản toàn cầu của WWF, Mark Powell nói rằng sự xuống hạng này là do "giảm các vấn đề về quản lý và kiểm soát". Mark Powell cho hay: "Vấn đề chủ yếu là do các trại nuôi gây ô nhiễm môi trường tự nhiên, vì thức ăn, hóa chất và thuốc trừ sâu được thải ra sông và hồ, và vì nguy cơ lây bệnh từ cá nuôi sang cá tự nhiên. Danh sách này cũng cho biết có thể thức ăn sử dụng trong sản xuất được lấy từ nguồn cung khai thác lạm thác".

Còn theo Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) thời gian gần đây, cá tra Việt Nam đã bị "đánh hội đồng" trên thị trường châu Âu. Và gần đây nhất, con cá tra còn bị EU đưa vào mặt hàng có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá… Tuy nhiên, cũng có nhiều tập đoàn bán lẻ thủy sản lớn tại Anh như Findus Group và Birds Eye Group lại lên tiếng bảo vệ sản phẩm cá tra cũng như môi trường nuôi cá tra.

Cá tra ở Việt Nam hiện đang chiếm tới 95% nguồn cá tra thương phẩm cho thế giới. Với sản lượng 1,5 triệu tấn mỗi năm nhưng chỉ cần 6.000ha mặt nước để nuôi, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu trên 538 tấn cá tra, đạt giá trị 1.151 triệu USD, cho 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cá tra hiện là loại cá được đông đảo người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng và thường xuyên lựa chọn cho bữa ăn gia đình, do có chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và giá cả rẻ hơn so với nhiều loại thủy sản khác.

Ông Dũng cho biết thêm cá tra là loài cá nuôi có vị thế về kinh tế và sinh thái rất đặc biệt. Cá hồi và cá ngừ cung cấp chủ yếu cho tầng lớp người giàu, khiến phải hy sinh nguồn lợi tự nhiên để nuôi người giàu, trái với tiêu chí của WWF. Trong khi đó, cá tra là loài ăn thức ăn hỗn hợp tiêu thụ rất ít đạm động vật và có thể dễ dàng chuyển đổi sử dụng đạm thực phẩm, có khả năng chịu đựng điều kiện nuôi tốt, năng suất nuôi ít.

Cẩm nang của WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ với lý do chủ yếu là môi trường, thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra "có vấn đề", tuy nhiên đã không có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra để chứng minh cho điều đó. Theo VASEP, hiện nay hầu hết doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đã xây dựng các hệ thống xuyên suốt từ con giống tới sản phẩm xuất khẩu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm "từ trang trại đến bàn ăn". Một số nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận Global GAP - tiêu chuẩn cao nhất của ngành nuôi thủy sản có trách nhiệm và bền vững toàn cầu.

Đặc biệt, việc quản lý tác động môi trường do việc nuôi cá tra và xử lý nước thải từ ao nuôi và nhà máy chế biến trước khi thải ra môi trường, kiểm soát chặt chẽ các hóa chất, kháng sinh sử dụng cho cá nuôi đã được chú trọng từ nhiều năm nay. Theo kết quả chương trình kiểm soát môi trường nước được Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT tiến hành trong nhiều năm qua cho thấy, chất lượng môi trường của vùng hạ lưu sông Mê Kông đáp ứng tốt những tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Như vậy, theo ông Dũng, những thông tin trên từ WWF là lạc hậu và sai lệch, không khách quan và đây là phát ngôn của một số đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, nhằm bôi xấu cá tra. VASEP khẳng định, sẽ sẵn sàng cung cấp mọi thông tin, hợp tác và hoan nghênh, tạo mọi điều kiện cho các chuyên gia của các tổ chức thành viên WWF nghiên cứu làm rõ về vấn đề này. "Chúng tôi cũng nói thêm, nếu tất cả các vùng nuôi của chúng ta đều đạt tiêu chuẩn Global GAP thì không ai có quyền đưa cá tra vào danh sách đỏ cả", ông Dũng nhấn mạnh.

Ngày hôm nay, 8/12, Bộ NN&PTNT cũng sẽ có buổi làm việc chính thức với đại diện của WWF Việt Nam để đề nghị tổ chức này lên tiếng bảo vệ cho cá tra của Việt Nam



Theo Công An Nhân Dân
Báo cáo phân tích thị trường