Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đến lượt Tôm và cá rô phi bị WWF đưa vào danh sách đỏ
07 | 12 | 2010
Dư luận đặt vấn đề phải chăng WWF đang hướng người nuôi trồng, chế biến và bán lẻ thủy sản sử dụng chứng nhận chất lượng ASC do họ đề xướng?

Không chỉ cá tra, tôm và cá rô phi của các nước nhiệt đới, trong đó có VN, cũng bị đưa vào danh sách đỏ của WWF. Dư luận đặt vấn đề phải chăng WWF đang hướng người nuôi trồng, chế biến và bán lẻ thủy sản sử dụng chứng nhận chất lượng ASC do họ đề xướng?

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết bên cạnh sản phẩm cá tra, có hai sản phẩm nữa xuất xứ từ vùng nhiệt đới, trong đó có VN, là tôm và cá rô phi cũng bị WWF đưa vào danh sách đỏ trong cẩm nang tiêu dùng thủy sản của tổ chức này tại châu Âu. Cụ thể, đó là cá rô phi nằm trong sách đỏ ở Bỉ, tôm trong sách đỏ ở Đức. Điều này đồng nghĩa với việc WWF khuyên người tiêu dùng không dùng các sản phẩm trên.

Đến lượt tôm, cá rô phi

GAP (Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Global GAP là tiêu chuẩn chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp trên toàn cầu.

Tiêu chuẩn Global Gap tập trung vào quản lý chất lượng, an toàn và truy nguồn gốc trong lĩnh vực nuôi trồng cây, rau, củ, quả, gia cầm, gia súc, thủy sản... được nhiều cá nhân, tổ chức, nhà phân phối sử dụng.

Theo VASEP, kết luận của WWF đưa ra là vô lý vì không có bằng chứng rõ ràng. Những sản phẩm thủy sản của VN khi xuất khẩu đều đạt những chứng nhận về chất lượng và môi trường được quốc tế công nhận như SQF, Global GAP, HACCP... “Cũng không có bằng chứng nào cho thấy môi trường nuôi cá ở VN xuống cấp trầm trọng để từ danh sách vàng năm 2009, WWF xếp cá tra VN vào danh sách đỏ năm nay” - một quan chức VASEP nói.

Theo ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký VASEP, dường như mục đích của WWF là hướng người nuôi và chế biến thủy sản chuyển sang sử dụng tiêu chuẩn mà họ xây dựng và chuẩn bị đưa ra thị trường. Đó là tiêu chuẩn của ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận do WWF và IDH (Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan) thành lập năm 2009.

Theo VASEP, trong cẩm nang hướng dẫn của WWF tại Đan Mạch nói rằng: “Chừng nào ASC chưa xuất hiện trên thị trường, thì bạn vẫn không biết là cá tra được nuôi bền vững”. Vì vậy, WWF khuyến nghị người tiêu dùng nên tìm một loài thủy sản khác thay thế.

Điều này lý giải tại sao trong cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản của WWF tại Đức được đăng tải trên trạng www.wwf.de, cá tra VN dù đạt chứng nhận Global GAP vẫn bị xếp vào danh sách vàng, nghĩa là “có lý do để lo lắng vì có thể loài hải sản này bị đánh bắt quá nhiều, gây tuyệt chủng, gây hại môi trường sống và đa dạng sinh học”.

Theo TS Nguyễn Quốc Vọng - Đại học Bách khoa Hoàng gia Melbourne (Úc), tiêu chuẩn Global GAP do các nhà bán lẻ ở châu Âu sáng lập nhằm thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn cho sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường và an toàn lao động.

Như vậy, Global GAP là tiêu chuẩn quan tâm đến yêu cầu của khách hàng, được người tiêu dùng nhiều nước tin tưởng.

Chủ động đương đầu

Theo các chuyên gia ngành thủy sản, dù WWF nói gì thì quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người tiêu dùng tại châu Âu. Do đó, nếu có một sản phẩm tốt và giá bán phải chăng thì thủy sản VN không chịu tác động lớn bởi danh sách đỏ của WWF. Bằng chứng là năm trước con tôm VN cũng bị xếp vào danh sách đỏ nhưng xuất khẩu tôm năm 2009 sang EU vẫn tăng trưởng tới 20%, trong khi các thị trường hàng đầu khác là Nhật và Mỹ lại giảm khá mạnh.

10 tháng đầu năm nay sản lượng tôm VN xuất khẩu sang EU là 37.100 tấn, kim ngạch đạt 271 triệu USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2009.

Tuy nhiên theo ông Trương Đình Hòe, dù hướng dẫn của WWF chỉ mang tính khuyến nghị, không bắt buộc nhưng cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh thủy sản VN. Đặc biệt là ngay trước đó, nhiều chiến dịch bôi xấu cá tra VN đã diễn ra tại nhiều nước. Chưa kể tôm cũng là sản phẩm chủ lực của VN xuất khẩu vào thị trường châu Âu, trong khi lượng xuất khẩu cá chim ngày một tăng lên tại thị trường này.

TS Nguyễn Quốc Vọng cho biết thực tế thời gian qua cho thấy VN phản ứng lại các chiến dịch “bôi xấu” của nước ngoài một cách rất thụ động do “chúng ta không có những chứng cứ khoa học để phản biện lại những quy kết của nước ngoài”.

Tại Úc, theo TS Vọng, mỗi khi có một giống mới chuẩn bị đưa vào sản xuất, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra hàng loạt bài báo về quá trình phát triển, chăm sóc, tác động đến môi trường của loài đó cho cả thế giới biết. Nếu có vấn đề gì thì đó chính là những chứng cứ khoa học để phản biện.

“Không chỉ có cá tra, những sản phẩm mà VN xuất khẩu với số lượng lớn làm ảnh hưởng quyền lợi của ngành kinh tế bản địa của nước nhập khẩu cũng sẽ có lúc gặp phải sự phản kháng. VN nên sẵn sàng để đương đầu với các thách thức đó. Các doanh nghiệp và nhà khoa học phải phối hợp nhau đưa ra những nghiên cứu khoa học đăng ở nước ngoài nhằm chứng minh cho thế giới biết sản phẩm của VN tốt, quy trình nuôi trồng của VN là hợp lý” - TS Vọng nhận định.

Thông tin về tổ chức WWF

Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) là một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới chuyên hoạt động về vấn đề bảo vệ thiên nhiên. Tiền thân là Quỹ động vật hoang dã thế giới hoặc Quỹ bảo vệ đời sống thiên nhiên thế giới, được thành lập ngày 11-9-1961 tại Thụy Sĩ, hiện quỹ này đã có mặt ở 59 quốc gia.

Hoạt động của WWF chủ yếu là bảo tồn sự đa dạng sinh học và những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các khu vực trên thế giới, góp phần đảm bảo duy trì sử dụng các tài nguyên thiên nhiên có thể tái sinh và giảm bớt ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn cầu.

Khác với những tổ chức bảo vệ môi trường khác trên thế giới, WWF chú trọng vận động hành lang liên kết với những công ty thương mại kêu gọi tài trợ các dự án bảo vệ hệ sinh thái trong dài hạn.

Hiện nay WWF đã mở rộng phạm vi hoạt động và trở thành một tổ chức bảo vệ thiên nhiên phổ thông chứ không gói gọn trong phạm vi chỉ bảo vệ động - thực vật hoang dã như khi mới thành lập.

Bộ NN&PTNT chưa có thông tin

Ngày mai 8-12, Tổng cục Thủy sản sẽ đối thoại với WWF Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 6-12, ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết cơ quan này đang gấp rút hoàn thiện một dự thảo nghị định liên quan đến cá tra để trình Thủ tướng.

Cùng với dự thảo nghị định này, ông Tám cho rằng đây là thời điểm để những người nuôi cá tra thành lập một hiệp hội nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Về thông tin con tôm VN cũng bị WWF đưa vào “danh sách đỏ”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết VN chưa hề nhận được thông tin chính thức về việc này nên Bộ NN&PTNT không thể đưa ra ý kiến. Ông Tám cho biết sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan kiểm tra ngay thông tin này.

Ông Phạm Anh Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết cơ quan này đang xây dựng dự thảo nghị định về quản lý và tiêu thụ cá tra. Nghị định này tập trung vào những cơ chế chính sách và quản lý, trong đó có quản lý sản xuất (từ con giống đến nuôi, chế biến...), dịch vụ, tiêu thụ (bán ra sao, giá cả và cạnh tranh thế nào). Hiện dự thảo đã được lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, trong đó có Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN.

Riêng về hiệp hội cá tra, ông Tuấn cho rằng đây là việc quan trọng, cần sớm thành lập. Bởi từ trước đến nay, cá tra VN luôn thua thiệt trên thị trường quốc tế, thậm chí bị “bôi nhọ” một cách vô căn cứ. Giá cả mặt hàng này cũng không ổn định khiến người nuôi thua thiệt...Chính vì thế, hiệp hội cá tra ra đời sẽ bảo vệ quyền lợi cho người nuôi cá và giúp ngành nuôi cá tra phát triển bền vững trong tương lai.

Với những vụ việc như “danh sách đỏ” vừa qua, nếu có hiệp hội thì sẽ lên tiếng, đưa ra bằng chứng chứng minh cho người tiêu dùng thấy thái độ trách nhiệm của người nuôi cá tra VN.

Ông Phạm Anh Tuấn cũng cho biết ngày mai (8-12), cơ quan này sẽ làm việc trực tiếp với WWF tại VN để cùng đối thoại về việc cá tra bị tổ chức này đưa vào “danh sách đỏ”. Sau cuộc làm việc này, nếu cần thiết thì Tổng cục Thủy sản sẽ có yêu cầu cụ thể đối với WWF.



Theo Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường