Sự ra đời của VDA được đánh là kịp thời bởi theo lộ trình hội nhập WTO thì vào đầu năm 2009, sẽ có một cuộc thay đổi lớn đối với thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo đó, các tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế sẽ có thể thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài thay vì phải xin phép hoặc liên doanh như trước. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt trực tiếp với các tập đoàn đa quốc gia mạnh về tài chính, nguồn lực, cung cách quản lý hiện đại và tiềm lực vượt trội về thị trường.
Hiện nay thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có mặt những tập đoàn nước ngoài như Metro, Big C Parkson. Sắp tới có thể sẽ thêm Lotte Shopping, Carreour và đặc biệt là nhà phân phối và bán lẻ khổng lồ Wal-Mart.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Tổng giám đốc VDA, mục tiêu của VDA là trở thành một tập đoàn kinh doanh hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và kho vận. VDA sẽ tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các chuỗi trung tâm thương mại, các đại siêu thị với các thương hiệu và đẳng cấp khác nhau mang tính chuyên nghiệp, hiện đại nhằm đáp ứng xu thế phát triển ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Tổng giám đốc Hapro - thành viên sáng lập VDA, cho rằng sự ra đời của VDA là một minh chứng cho xu hướng khách quan không thể cưỡng lại trên con đường hội nhập với thương mại quốc tế. Sự ra đời của VDA thể hiện tính chuyên nghiệp hóa ngày càng cao trong lĩnh vực phân phối, tạo ra khả năng cạnh tranh và hợp tác, kể cả với các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới.
Cũng tại buổi lễ ra mắt VDA, đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa VDA với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).