Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng kênh phân phối đối phó “sốt” gạo
06 | 09 | 2010
Sốt gạo năm 2008 đi qua, để lại một bài học sâu sắc và nhức nhối về vai trò không thể thiếu của kênh phân phối gạo chuyên nghiệp đối với việc bình ổn giá và an ninh lương thực.

Nhiều năm đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu, gạo chất đầy trong kho nhưng nhiều khi người tiêu dùng chen chân xếp hàng mua gạo với giá đắt gấp đôi bình thường. Đó là lý do Công ty TNHH Lương thực TP.HCM (FOOCOSA) quyết định xây dựng hệ thống cửa hàng lương thực trên toàn TP. Trong hai năm đã có 50 cửa hàng ra đời.

Nhức nhối về kênh phân phối

Nhớ lại cơn sốt gạo lần đầu từ sau Đổi mới, ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty FOOCOSA, kể: “Các tỉnh điện về hỏi: Có gạo trong kho không, có đủ lực để cấp cho thị trường không… Họ sợ khủng hoảng lương thực. Tâm trạng tôi cứ như ngồi trên đống lửa khi bà con ùn ùn ra chợ mua gạo giá cắt cổ mang về để dành”.

Để trấn an người tiêu dùng, FOOCOSA phải bình ổn giá thông qua kênh phân phối của các DN như Saigon Co.op, Vinatext Mart… tung gạo ngay để kịp bán cho dân, không hợp đồng, chưa thanh toán, gạo trong kho phải xuất ra liên tục cho các DN.

Không thể phủ nhận một nguyên nhân rất quan trọng là hệ thống phân phối của các DN nhà nước không được chú trọng và phát triển đúng mức. Các DN như Co.op Mart, Vinatext Mart… chiếm tỉ trọng nhỏ trên thị trường, không đủ mạnh để chi phối thị trường.

Cơn sốt gạo năm 2008 đi qua, để lại một bài học sâu sắc và nhức nhối về vai trò không thể thiếu của kênh phân phối gạo chuyên nghiệp đối với việc bình ổn giá và an ninh lương thực của đất nước: Thiếu hệ thống phân phối, gạo đầy kho mà không thể dập sốt. Nhất là khi cơn sốt nhắm trúng thời điểm đất nước đang đối mặt với khủng hoảng toàn cầu.

Xây dựng lại kênh phân phối từ thời bao cấp

Những ngày phụ trách công tác xuất khẩu gạo, ông Thành có nhiều dịp quan sát hệ thống cửa hàng Seven-Eleven tại nhiều nước trên thế giới. Đây là hệ thống cửa hàng tiện ích thành công tại rất nhiều nước châu Á. “Tôi nghĩ tại sao không mở chuỗi cửa hàng như vậy với mặt hàng chính là gạo và nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Tôi quyết định thiết lập kênh phân phối phù hợp bối cảnh mới. Mục tiêu là can thiệp và bình ổn thị trường mặt hàng lương thực” - ông Thành chia sẻ.

Cuối năm 2008, cửa hàng FoocoMart đầu tiên ra đời với hệ thống nhận diện riêng, có logo, nhãn hiệu và phong cách riêng. Hàng hóa phong phú, không chỉ trang bị máy tính, phần mềm bán hàng, đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp mà còn bổ sung các mặt hàng thiết yếu phục vụ bữa ăn hàng ngày: gạo, mì, đường, dầu ăn, sữa, hóa mỹ phẩm…

Vừa chạy vừa… mặc đồ

Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài đã tiếp cận thị trường TP, các cửa hàng tiện ích thương hiệu toàn cầu đã xuất hiện ở khắp nơi với phong cách hoàn toàn mới mẻ, hiện đại và bắt mắt. Họ đã có cả trăm năm kinh nghiệm, còn Foocosa bước ra từ bao cấp. Quản lý vận hành 50 cửa hàng là điều không dễ dàng đối với thương hiệu hoàn toàn mới trên thị trường.

Cũng vì thế, dù khó khăn mấy cũng phải làm theo tinh thần vướng đâu gỡ đó, vừa làm vừa học, vừa chạy vừa mặc đồ và tranh thủ “dò đá qua sông”.

Cuối tháng 11-2009 lại có biến động về gạo với quy mô nhỏ tại quận 6 và quận 8, lại sốt do tin đồn. Giá bị đẩy lên 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Ngay lập tức FOOCOSA đưa gạo các nơi về tập kết đầy kho, các cửa hàng trưng biển bình ổn giá mở cửa từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm, đồng thời công bố trên các phương tiện truyền thông, công khai số điện thoại nóng… Kết quả là dẹp sốt ngay trong ngày hôm sau.

Tập trung vào chất lượng dịch vụ

Năm 2010, FOOCOSA sẽ tiếp tục nâng lên 60 cửa hàng phủ khắp các quận, huyện và tập trung vào chiều sâu bằng chất lượng dịch vụ và hàng hóa phong phú. Không chỉ giao hàng tận nơi, sắp tới sẽ tổ chức chương trình khách hàng thân thiết nhằm giữ chân những khách hàng nòng cốt. Ngoài ra, các mặt hàng thiết yếu do Việt Nam sản xuất cũng xuất hiện nhiều trong hệ thống cửa hàng FoocoMart.

Trong năm 2009, lần đầu tiên Foocosa liên kết với Công ty Vissan để cùng phân phối mặt hàng thực phẩm tươi sống. Đồng thời, các mặt hàng gạo chất lượng tốt của FOOCOSA cũng xuất hiện tại các cửa hàng bán lẻ của Vissan. Đây là cách tận dụng tối đa kênh phân phối bán lẻ của các DN, phát huy tác dụng đối với bình ổn giá.

“Mặc dù là năm thứ năm tham gia bình ổn giá nhưng năm 2010, lần đầu tiên cho thấy rõ vai trò bình ổn giá của FOOCOSA. Nhờ có hệ thống bán lẻ rộng khắp, mức giá mà FOOCOSA đưa ra được xem là mức giá định hướng cho thị trường. Vai trò định hướng thị trường lương thực được nâng lên rõ rệt. Mục tiêu đến năm 2011 sẽ trở thành nhà bán lẻ chuyên nghiệp, có thương hiệu trong hệ thống bán lẻ của TP.HCM cũng như trên cả nước” - ông Thành cho biết.



Theo Pháp luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường