Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Đại gia” rầm rộ lấn sân
28 | 11 | 2008
Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang âm thầm mở rộng hệ thống, khai thác tối đa tiềm lực tài chính, nguồn hàng... nhằm chiếm lĩnh thị trường bán lẻ VN hiện được đánh giá hấp dẫn nhất châu Á
Chuẩn bị cho sự ra mắt của mình vào giữa tháng 12 tới, ngay từ đầu tháng 11, siêu thị Lotte Mart (Tập đoàn Lotte – Hàn Quốc) đã mở chiến dịch quảng bá rầm rộ. Bảng quảng cáo hiện diện khắp các nhà chờ xe buýt, nhân viên Lotte Mart đến từng cơ quan, doanh nghiệp (DN) tìm “khách hàng thân thiết”...

Khi “đại gia” lộ diện...

Dù quy mô vừa phải: Diện tích đất 31.000 m2 (tại P. Tân Quy, Q.7- TPHCM), tổng vốn đầu tư 52 triệu USD nhưng Lotte Mart có lẽ là siêu thị hiện đại nhất VN tính đến thời điểm hiện tại. Theo ông Liêu Thanh Quang, Giám đốc điều hành – kinh doanh Lotte Mart, mỗi tập đoàn phân phối khi vào VN sẽ tạo sự khác biệt hoặc tính độc đáo bằng nguồn hàng riêng hoặc dịch vụ riêng. Ngoài khu siêu thị 3 tầng kinh doanh đủ các mặt hàng từ thực phẩm đến phi thực phẩm, Lotte Mart còn có các khu vực dịch vụ cao cấp gồm nhà hàng, quán cà phê, khu giải trí (bowling, rạp chiếu phim, billiards...), khu trò chơi, quầy bar, trung tâm văn hóa, quầy thuốc tây, phòng mẹ và bé, dịch vụ bảo trì xe gắn máy... và các sản phẩm đặc trưng của Hàn Quốc như kim chi, sâm... Đây là thế mạnh mà hệ thống siêu thị Hàn Quốc này muốn phát huy để chinh phục người tiêu dùng VN. Lotte Mart cũng dự kiến đưa vào hoạt động thêm một siêu thị trong năm 2009.

Khác với việc “khua chiêng đánh trống” chuẩn bị khai trương của Lotte Mart, một số hệ thống siêu thị của các tập đoàn nước ngoài đã có mặt tại VN lại lặng lẽ tăng tốc chạy đua mở rộng sự hiện diện của mình. Big C Gò Vấp là một ví dụ. Tọa lạc ngay tại ngã năm Gò Vấp, góc Nguyễn Kiệm – Phạm Ngũ Lão, siêu thị này được đưa vào hoạt động khoảng 3 tháng nay dưới hình thức nhượng quyền thương mại từ Big C.

Được biết, từ nay đến cuối năm, tại TPHCM sẽ có thêm một số dự án của các “đại gia” bán lẻ quốc tế đi vào hoạt động. Ngoài ra, theo một nguồn tin tại TPHCM, có không dưới 5 dự án của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài triển khai trong năm 2009. Các tập đoàn bán lẻ hùng hậu của Mỹ, châu Âu như: WalMart, Carefour... cũng đã có dự án nhưng chưa có mặt bằng để triển khai. Có khoảng 4 - 5 công ty VN đang tham gia cung cấp hàng cho hệ thống WalMart. Metro lên kế hoạch mở 12 siêu thị tại các TP lớn. Big C dành hơn 250 triệu USD để mở thêm các trung tâm thương mại và cải tạo, nâng cấp các siêu thị sẵn có từ nay đến năm 2010. Một “đại gia” bán lẻ khác của Hàn Quốc là GS Retail lên kế hoạch trong 2 năm tới mở 10 trung tâm mua sắm tại Bình Dương... Ngoài ra, một số tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản, Ai Cập cũng đang tìm hiểu, xúc tiến liên doanh tại VN.

Chiến lược giá rẻ, đa dạng nguồn hàng, dịch vụ

Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM, khi đầu tư vào VN, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài sẽ tận dụng tối đa lợi thế hàng hóa đa dạng (hàng nội lẫn hàng ngoại), chiến lược bán lẻ với giá sỉ... Đó là những yếu tố mà DN bán lẻ trong nước khó “địch” nổi.

Không kể đến các hệ thống Parkson, Diamond nhắm đến đối tượng tiêu dùng cao cấp, các hệ thống Big C, Metro... và sắp tới là Lotte Mart đều xác định đối tượng khách hàng là người tiêu dùng bình dân, các hộ gia đình, cửa hàng tạp hóa... Hệ thống Big C với lợi thế quy mô, khả năng đàm phán thương lượng với nhà cung cấp, từ cuối năm 2007 đã xây dựng thành công chiến lược “giá tốt nhất trên thị trường”. Nhiều hàng hóa tại Big C luôn có giá thấp hơn các siêu thị khác từ 2% - 5%. Hàng nhãn riêng độc quyền của Big C từ 60 mặt hàng ban đầu đã lên đến trên 200 mặt hàng đủ các chủng loại. Tập đoàn Metro Cash & Carry cũng “đánh” mạnh về giá để thu hút người tiêu dùng. Tại TPHCM, nhân viên Metro Cash & Carry đến tận cửa hàng bán lẻ làm thẻ khách hàng. Các chủ cửa hàng tạp hóa (còn gọi là mama shop) trên địa bàn TPHCM đã quen với việc đến Metro mua hàng hóa về bán vì giá cả nhiều mặt hàng rẻ hơn bên ngoài và thường xuyên có những đợt bán hàng giảm giá, khuyến mãi. Nhiều ý kiến cho rằng nếu các mama shop này được huấn luyện thành chân rết của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài thì đây sẽ là thách thức lớn nhất đối với các nhà bán lẻ nội địa...

Nhiều DN bán lẻ trong nước lo ngại trước áp lực cạnh tranh của các tập đoàn nước ngoài sau ngày 1-1-2009, nếu không có những biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho DN, sớm muộn gì thị trường bán lẻ VN cũng trở thành bản sao của Thái Lan trước đây: Sau mở cửa, siêu thị nội địa lần lượt “rơi rụng” vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài.



Nguồn: Người Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường