Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lao động nông thôn ra thành phố và ngược lại: Sự dịch chuyển đang hỗn loạn!
27 | 11 | 2008
NNVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – xã hội, Bộ LĐ-TBXH xung quanh hiện tượng lao động nông thôn tràn ra thành phố nhưng hiện nay lại có xu hướng quay ngược trở lại.
Lực hút và lực đẩy

Vì sao nguồn nhân lực nông thôn ngày càng tràn ra thành phố một nhiều, thưa bà?

Những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không nông dân nào thích rời nông thôn ra thành phố cả. Nhưng hiện nay nông dân đang phải đối mặt với cả lực đẩy ở nông thôn và lực hút của đô thị và công nghiệp. Đô thị có việc làm, có thu nhập cao và có thể thực hiện được ước mơ trở thành thị dân. Đó là lực hút. Trong khi đó, ở nông thôn, nông dân nông nhàn nhiều, NNVN tính nông dân bây giờ chỉ làm có 2 tháng, chúng tôi tính cặn kẽ thì họ chỉ làm có 40 ngày trong tổng số 365 ngày của 1 năm. Mà nhu cầu chi tiêu hàng ngày và cho sản xuất là rất lớn. Đó là lực đẩy. Hai yếu tố này “buộc” nông dân phải ra thành phố chứ không còn cách nào khác.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia về lao động việc làm, bà đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Về lý thuyết, nông dân tràn ra thành phố là một điều không thể tránh khỏi trong tiến trình CNH, HĐH. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là ra như thế nào? Nếu như phát triển đô thị, công nghiệp nhiều tầng như ở nhiều nước tiên tiến thì lao động làm việc tại thành phố nhưng vẫn…là người nông thôn. Điều này khắc phục được rất nhiều vấn đề về xã hội. Còn hiện nay, lao động không có sự liên kết dọc. Thị trấn, thị tứ, thị xã không có đủ tầng, đủ lực để thu hút lao động vùng lân cận. Nên họ tràn ra những thành phố lớn, gây ra hàng loạt những vấn đề về xã hội cho cả nơi họ đi và nơi họ đến.

Cụ thể, hàng loạt những vấn đề đó là gì thưa bà?

Lao động nông thôn ra thành phố đều có trình độ thấp. Vì vậy, dù họ tràn ra thành phố rất nhiều nhưng lại không thể nhập cuộc được vào được thị trường lao động chính thức mà chủ yếu là lao động tự do, và họ trở thành người mà nông thôn không quản lý, thành thị cũng không chấp nhận. Điều này làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu việc làm tại các đô thị…

Lao động nông thôn ra thành phố rồi quay trở lại, rồi lại về…là một sự dịch chuyển lao động hỗn loạn. Con người phải quăng quật nhau để sống như thế sẽ tạo nên những đô thị không văn minh, văn hoá, còn nông thôn thì mất bản sắc.

Còn nếu lao động thành phố mang nguồn lực tài chính và trí tuệ về nông thôn tích tụ đất đai, đầu tư sản xuất thì đó là một mô hình lý tưởng cho nông thôn. Nhưng sẽ không tự diễn ra như thế được mà phải có chính sách cực tốt của nhà nước. (TS. Nguyễn Thị Lan Hương)

Sự dịch chuyển hỗn loạn

Bản thân lao động nông thôn ra thành phố không có điều kiện trụ lại và thành phố cũng không sẵn sàng cho họ trụ lại, như hiện nay họ đang có xu hướng quay ngược lại nông thôn?

Đúng là lao động nông thôn đang trở lại nông thôn. Và theo nghiên cứu của chúng tôi, do ảnh hưởng sâu của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, trong năm tới, lượng lao động bị sa thải khỏi thị trường lao động chính thức ở thành phố và đặc biệt là lực lượng lao động tự do ở thành phố sẽ bị mất việc làm là rất lớn. Tuy nhiên, sự quay trở lại đó cũng chỉ là tạm thời.

Về lâu dài, họ sẽ vẫn quay trở lại thành phố vì ở nông thôn không có đủ việc làm cho họ, và đặc biệt tâm lý của con người không muốn thụt lùi, mà cố vươn lên dù có vất vả, trầy trật đến mấy họ cũng sẽ lại quay lại “bám” lấy thành phố mà thôi. Thống kê cho thấy 15 năm nay trình độ lao động ở nông thôn không tăng.

Nói gì thì nói, để nông thôn phát triển vẫn phải rút lao động ra. Vậy theo bà, làm gì để lao động nông thôn nhập cuộc vào được thị trường lao động chính thức ở đô thị?

Phải có 3 thị trường lao động: Nông thôn, thành thị chính thức và thành thị phi chính thức (để lao động ở khu vực thành thị phi chính thức hiện nay có điều kiện dịch chuyển dần sang thành thị chính thức). Hiện nay lực lượng lao động tự do ở nông thôn ra thành thị hầu như không nhập được vào thị trường chính thức là do chính sách của chúng ta có những khấc. Vì vậy đòi hỏi phải có chính sách lao động việc làm vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo.

Nói như vậy, việc thực hiện Nghị quyết TƯ7 về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn với một nguồn lực nông thôn như vậy sẽ hết sức khó khăn, thưa bà?

Làm gì thì làm, khoa học, vốn thiếu có thể mua, vay được nhưng con người thì không. Vì vậy con người phải là quan trọng nhất. Do đó, thực hiện Nghị quyết TƯ 7 phải tập trung mạnh vào đào tạo nguồn nhân lực, rút lao động ra khỏi nông thôn theo con đường chính thức, tạo điều kiện để họ có thể trở thành cư dân đô thị. Những người ở lại nông thôn làm nông nghiệp phải là nghề chính, thu nhập chính mới xây dựng được nông thôn mới.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!



Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường