Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hiện tình nông nghiệp Trung Quốc và con đường đi lên
27 | 08 | 2007
Dân số Trung Quốc chừng 1,3 tỷ người, hơn 800 triệu được coi là nông dân (70%) vì có hộ khẩu ở nông thôn. Nhưng thực tế chỉ có 50% dân số hoạt động nông nghiệp với 328 triệu lao động nông nghiệp kể cả gia đình thì cộng là trên 600 triệu nông dân thực thụ. Lao động nông nghiệp tập trung nhiều hơn ở các tỉnh đông dân thuộc đồng bằng Hoa Bắc và sông Dương Tử, Thiểm Tây, Hồ Nam và Quảng Đông.

Một cái nhìn chung

Dân số Trung Quốc chừng 1,3 tỷ người, hơn 800 triệu được coi là nông dân (70%) vì có hộ khẩu ở nông thôn. Nhưng thực tế chỉ có 50% dân số hoạt động nông nghiệp với 328 triệu lao động nông nghiệp kể cả gia đình thì cộng là trên 600 triệu nông dân thực thụ. Lao động nông nghiệp tập trung nhiều hơn ở các tỉnh đông dân thuộc đồng bằng Hoa Bắc và sông Dương Tử, Thiểm Tây, Hồ Nam và Quảng Đông.

Có tới 19% số dân nông thôn ra thành phố làm việc bằng cách này hay cách khác. Về giá trị sản lượng nông nghiệp, như vậy là 50% dân số Trung Quốc hiện nay làm ra 16% GDP cả nước.

Tỷ lệ chết của trẻ sơ sinh và dưới 5 tuổi ở TQ là dưới 20 phần nghìn tại thành phố nhưng ở các vùng xa, sâu nghèo khổ nó vượt qua 100 phần nghìn. Hệ thống y tế ở nông thôn thiếu thốn, 80% nguồn tài chính của Nhà nước đầu tư cho y tế tập trung vào các bệnh viện lớn thành phố. Ngưỡng phải đóng thuế tính theo thu nhập đầu người thành thị là 800 nhân dân tệ/ tháng, thì người nông dân chỉ phải nộp thuế khi thu nhập đạt 200 tệ/ tháng, mức thuế cũng tương đối nhẹ với thuế suất 2-3%. Thực tế thuế suất cao hơn nhiều nếu chỉ tính thu nhập ròng, không kể các chi phí về giá thành. Người dân nông thôn còn phải gánh rất nặng chi phí về giáo dục cho con em họ. Một điều tra của Trung tâm nghiên cứu và phát triển thuộc Chính vụ viện cho biết chi phí giáo dục chiếm tới 70-80 % ngân sách địa phương, nhiều vùng nông thôn và khoảng 78% đầu tư cần thiết cho 9 năm học bắt buộc là của dân còn Chính phủ Trung ương mới rót được 2%. Khoảng cách bình quân giữa người tiêu dùng ở nông thôn và thành thị là từ 1,8 đến 3,1 lần ở các tỉnh phía Đông gần biển còn ở các tỉnh phía Tây tới 4,0 - 5,1 lần theo thống kê năm 1997.

Năm 2000, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt tới 300 tỷ USD tương đương với toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc. Nhưng đầu tư công cộng vào cơ sở hạ tầng và trợ cấp sản xuất cho nông nghiệp chưa quá 14 tỷ USD, chi cho nghiên cứu và phát triển nông nghiệp mới chiếm 0,9 % ngân sách Nhà nước (trong khi đó công nghiệp nhận 55%). Tóm lại, sau 20 năm cải cách, bộ mặt nông nghiệp và nông thôn TQ đã thay đổi nhiều, nhưng xã hội nông thôn tại nhiều vùng vẫn còn nghèo, cách biệt nhiều về đời sống, kém được chăm sóc y tế và giáo dục so với thành thị. Về kinh tế mà nói, năng suất lao động nông nghiệp hiện nay bắt đầu giảm sút và tiền bạc đang chạy khỏi nông thôn. Như một nhà kinh tế của Đảng Cộng sản TQ trả lời phỏng vấn của báo Hoa Đông Tân Văn: đã đến lúc cấp bách phải xem trọng hơn "các công dân hạng hai này".

Các vấn đề đặt ra

- Làm cho nông nghiệp sinh lợi: Để chống lại tình trạng vốn ở nông thôn chạy ra thành thị vì lợi ích của công nghiệp và thương mại theo quy luật của thị trường vốn và tín dụng, giá thành nông sản không ngừng tăng lên mà giá bán thấp đi, khiến lợi nhuận và thu nhập của nông dân co lại như miếng da lừa, trước hết phải giải quyết vấn đề nhân công thừa trong nông nghiệp, sẽ cho phép giảm được giá thành. Muốn vậy, cần khuyến khích chứ không hạn chế nông dân hướng tới các thành phố nhỏ và thị trấn, thậm chí tạo ra những đô thị mới, họ có thể tìm được việc làm, lập doanh nghiệp rồi cư trú ở đó lâu dài. Thứ hai, phải làm cho ruộng đất canh tác trở thành tài sản lưu động, nhờ đó đất đai mới có giá trị cụ thể, và nông dân mới có điều kiện tiếp cận các phương thức phát triển khác. Thứ ba, phải tạo thuận lợi về mặt chế độ tài chính cho sự tương trợ hợp tác giữa các cư dân nông thôn để tập hợp vốn mở rộng sản xuất nông nghiệp, điều mà các ngân hàng thương mại khó thực hiện đầy đủ. Cuối cùng, phải thực hiện kinh tế nông nghiệp có quy mô lớn ở các vùng và lĩnh vực thuận lợi, được quản lý theo kiểu doanh nghiệp thì mới tăng được năng suất và khả năng sinh lợi của nông nghiệp. Trên đây là ý kiến của một Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thuộc Trường Đảng trên một tạp chí xuất bản ở Bắc Kinh.

- Vấn đề thành thị hoá nông thôn: không chỉ là khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công tại chỗ mà chủ yếu là cho phép nông dân lập ra các thị trấn nhỏ hoặc tìm việc làm ở các đô thị nhỏ (do các thành phố lớn chỉ thu nạp có giới hạn). Tại đó, nông dân sẽ chuyển đổi lối sống và được chuyển giao công nghệ. Thành thị hoá nông thôn cần gắn liền với công nghiệp hoá, các trung tâm đô thị mới phải có các loại công nghiệp hạng hai và ba phát triển thu hút nhiều việc làm chứ không phải ra tỉnh chỉ để buôn bán vặt và làm các dịch vụ. Ngành Công an TQ năm 2001 đã có chỉ thị mới cải cách chính sách hộ khẩu, áp dụng đối với các thành phố nhỏ, tôn trọng hơn quyền tự do đi lại và cư trú của nông dân. Khi dân số nông thôn biến động tới ngưỡng nhất định, cũng sẽ phải tính đến một cuộc "phân cấp ruộng đất lần thứ hai" có liên quan đến quyền sở hữu và sử dụng đất.

- Chuẩn bị đối mặt với toàn cầu hoá do gia nhập WTO: Nông dân sẽ phải thích ứng một thị trường từ nay mở rộng cửa cho nhập khẩu. Thuế quan nhập khẩu hàng thực phẩm sẽ phải giảm từ 22 đến 15%. Và ít nhất 13 triệu việc làm sẽ bị mất trong các cơ quan Nhà nước các cấp quản lý và phục vụ nông nghiệp, trong các ngành trồng trọt bị thu hẹp. Bù lại, sẽ có thuận lợi nhiều cho việc thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, như có thể đẩy mạnh sản xuất rau, quả, thịt đưa ra thị trường thế giới. Cần điều chỉnh hợp lý các chính sách nông nghiệp để nông dân có thể tự do chuyển đổi sản xuất và tăng cường đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng và khâu phân phối giúp cho nông dân có sức cạnh tranh với hàng ngoại. Chính phủ TQ đang ủng hộ nông nghiệp bằng các biện pháp như bảo hiểm thu hoạch, giảm thuế xuất khẩu, cải thiện y tế và giáo dục ở nông thôn, gia tăng nghiên cứu và phát triển trong các ngành nông nghiệp... Một nhà kinh tế của Trường Đại học nông nghiệp Quảng Châu nói: "Trong quá khứ, nếu việc TQ sao nhãng nông nghiệp vì lợi ích của công nghiệp còn có phần đúng đắn, thì nay việc đó chứa đựng một nguy cơ tiềm ẩn với toàn bộ đất nước". Nông nghiệp được quan tâm hơn cũng là một điểm tích cực của việc TQ gia nhập WTO



Báo cáo phân tích thị trường