Hiện nay, giá đường trên thị trường trong khu vực ĐBSCL chỉ còn khoảng 7.000 - 7.200 đồng/kg, giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với đầu năm. Với giá đường như hiện nay, dự báo trong những ngày tới giá mía đường trong khu vực vẫn tiếp tục giảm.
Tuần qua giá đường RE dao động ở mức 7.600 - 7.800 đồng/kg và đường RS là 7.300 - 7.400 đồng/kg. Tại một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL, giá đường bán ra ở một số nhà máy đường chỉ còn từ 7.200-7.600 đồng/kg. Theo dự báo của các thương lái, nhiều khả năng giá đường sẽ tiếp tục giảm xuống, tác động kéo giá mía nguyên liệu giảm theo là điều không thể tránh khỏi.
Lãi trên 1 ha từ 60 triệu còn 8 triệu đồng
Giá đường trên thị trường giảm đã khiến giá mía ở khu vực ĐBSCL trong mấy tuần qua giảm liên tục. Mía xuống giá đã gây nhiều hoang mang lo lắng cho bà con nông dân trồng mía. Vì bà con sợ phải lập lại hình ảnh cây mía của những năm 1999 - 2000 như trước đây.
Hiện nay, giá mía nguyên liệu trong khu vực chỉ ở khoảng 330 - 360 đồng/kg, giảm từ 300 - 500 đồng/kg so với năm ngoái.
Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết, do giá mía năm rồi quá tốt nên niên vụ mía năm nay, diện tích mía đường của toàn tỉnh Hậu Giang đạt 15.000 ha, trong đó diện tích mía ở huyện Long Mỹ là 4.000 ha.
Do giá mía trong suốt thời gian dài luôn ở mức cao nên bà con đã cải tạo một số vườn khóm đã bị lão hoá và vườn cây ăn trái không có năng suất chuyển sang trồng mía, nên diện tích trồng mía của Hậu Giang năm nay đã nâng lên khoảng 500 ha so với niên vụ trước.
Do tính đặc thù của huyện Long Mỹ đất cao nên mía không bị ngập nước, sau thu hoạch mía vụ trước bà con đã lưu gốc nên đến tháng 12 hoặc tháng 1 của năm sau mới vào vụ thu hoạch. Năng suất mía lưu gốc bình quân từ 120 - 130 tấn/ha, mía này có chữ đường rất cao, đôi khi tới 13 - 14 nên bán cũng có giá tốt hơn, như năm rồi mía lưu gốc được bán ra với giá 650 - 750 đồng/kg, với giá này sau khi trừ chi phí bà con trồng mía lãi khoảng 500 đồng/kg, tính ra 1 ha mía bà con cũng lãi khoảng 60 triệu đồng/ha.
Trong khi hiện nay, các ruộng mía của bà con nông dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã chín nhưng rất khó bán do giá mía giảm.
Theo bà con cho biết, các nhà máy đường trong vùng vận động nông dân trồng mía không nên thu hoạch mía non, nên mấy tuần trước khi giá mía còn ở mức cao, bà con không bán mía vẫn cố gắng giữ mía lại chờ chín cho có chữ đường cao thì mía lại giảm giá.
Trung tuần tháng 10, giá mua mía tại ruộng giao động từ 360- 400 đồng/kg, bây giờ giá mía mua tại ruộng chỉ khoảng 300 - 340 đồng/kg, nhiều ruộng mía đã chín nhưng giá mía trên thị trường lại giảm liên tục làm nông dân chịu thiệt. Giá thành sản xuất mía của bà con nông dân khoảng 250 - 280/kg, nếu bán vào thời điểm này với giá 300- 340 đồng/kg, nông dân trồng mía lãi chưa tới 8 triệu đồng/ha.
Với giá mía như hiện nay, Hậu Giang có trên 15.500 ha mía, trong đó 5.500 ha ở huyện Phụng Hiệp đã chín nhưng bà con vẫn chờ đợi nghe ngóng.
Trong khi nhà máy mua ép giá cầm chừng theo thị trường thì lượng mía sẽ tồn đọng nhiều vào cuối vụ là khó tránh khỏi, vì cho đến bây giờ toàn tỉnh Hậu Giang chỉ thu hoạch khoảng 2.000 ha mía, diện tích mía còn lại là rất lớn.
Đường nhập lậu kéo giá đường trong nước
Ông Huỳnh Thành Hữu cho rằng, giá mía giảm có thể do nhiều nguyên nhân. Đó là do đầu vụ mía có những ruộng thu hoạch sớm chữ đường thấp, đường nhập lậu trên thị trường quá nhiều đã làm giá đường trong nước giảm, kéo theo giá mía giảm.
Theo ông Hữu giá mía cuối vụ thường không dưới 500 đồng/kg. Hàng năm, giá mía đầu vụ thường hay thấp hơn cuối vụ, do vào thời điểm này mía trên thị trường đã khan hiếm. Tuy nhiên, hiện giá mía đang biến động theo chiều hướng bất lợi cho người trồng mía thì có thể giá mía cuối vụ sẽ bị đảo chiều!Cho đến cuối tuần qua, giá đường trên thị trường khu vực ĐBSCL tiếp tục giảm từ 300-500 đồng/kg. Các nhà máy đường trong khu vực thì cho rằng, do giá đường trên thị trường liên tục giảm nên kéo theo giá mía nguyên liệu giảm mạnh.
Hiện nay, giá thành sản xuất của các nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL dao động từ 5.500 - 6.000 đồng/kg đường, chiếm trên 80% giá bán buôn bao gồm cả thuế.
Ngoài ra, đường trong nước còn chịu sức ép rất lớn từ đường Thái Lan nhập lậu, và còn do hiện nay lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường và các doanh nghiệp kinh doanh đường trong nước là rất lớn. Giá đường như hiện nay đã khiến các nhà máy đường trong vùng hoạt động cầm chừng chờ giá, trong khi hàng ngàn hecta mía của bà con nông dân ở huyện Phụng Hiệp đã tới thời điểm thu hoạch.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng, lượng đường tồn kho từ niên vụ mía trước khoảng trên 100.000 tấn, cộng với lượng đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam trong thời gian qua khoảng trên 300.000 tấn. Trong khi đó ai cũng biết đường trong nước khó lòng cạnh tranh với đường Thái Lan, vì ngành đường của họ được Nhà nước bảo hộ và được sản xuất với công nghệ tiên tiến.
Theo dự báo, lượng đường Thái Lan năm nay sẽ tăng hơn khoảng 20% so với năm trước, trên 6,3 triệu tấn. Cho đến nay, đường cát Thái Lan vẫn "vô tư" đi vào thị trường Việt Nam, với tình hình mía đường cả Thái Lan trong niên vụ mới sẽ tăng trưởng mạnh thì lượng đường nhập lậu sẽ càng gia tăng, như vậy ngành mía đường trong nước có nguy cơ vẫn bị đường Thái Lan áp đảo.
Trước tình hình này, nếu Nhà nước không sớm đưa ra sách lược bình ổn hoạt động mía đường trong nước thì e rằng ngành mía đường của chúng ta sẽ khó lòng đứng vững trước sự "tấn công" ồ ạt của đường Thái Lan.