Đến thời điểm này tất cả các nhà máy ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đi vào sản xuất niên vụ 2006-2007 với sản lượng đường đưa ra thị trường tính đến cuối tháng 10 là 25,5 ngàn tấn. Trong tháng 11 sẽ có thêm nhiều nhà nữa đi vào sản xuất... lượng đường cung cấp sẽ đạt khoảng 296.500 tấn.Nguồn cung tăng sẽ gây sức ép giảm giá trong những tháng cuối năm, bất chấp nhu cầu tăng cao vào vụ Tết.
Những ngày cuối tháng 10, giá đường bán buôn tại các thị trường lớn là 7.000-7.200 đồng/kg cho đường kính trắng, 7.500-7.800 đồng/kg đối với đường tinh luyện. Mức giá này thấp hơn 700-900 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đường bán lẻ khoảng 9.500-11.500 đồng.
Giá đường giảm khiến giá thu mua mía nguyên liệu cũng giảm theo. Hiện giá mía ở mức 400.000 đồng/tấn và có thể giảm xuống 330.000-350.000 đồng/tấn khi vào chính vụ.
Tuy nhiên, hiện nay giá đường trong nước vẫn cao hơn các nước xung quanh, cụ thể là Thái Lan. Vì vậy, vấn đề mà các DN lo lắng lúc này là nạn buôn lậu đường. Bộ Thương mại cũng đã yêu cầu lực lượng chức năng tập trung chống buôn lậu, coi đây là biện pháp quan trọng để bình ổn thị trường đường trong nước.
Diễn biến giá đường trên thế giới đang có lợi cho các nước nhập khẩu đường, trong đó có Việt Nam, nhưng không hẳn là tin vui cho các DN sản xuất đường. Giá đường thế giới dự báo sẽ giảm trong tháng 11 và nguồn cung niên vụ 2006-2007 sẽ vượt cầu. Tình trạng thiếu đường kéo dài suốt 3 niên vụ qua sắp chấm dứt.