Niên vụ 2008-2009, Việt Nam có 40 nhà máy đường đang hoạt động, tổng công suất chế bến gần 106.000 tấn mía/ngày.
Sản lượng chế biến cả vụ sẽ đạt khoảng 9,65 triệu tấn mía, tương đương 951.000 tấn đường, giảm khoảng 20 % so với niên vụ trước (khoảng 234.000 tấn).
Trong khi đó, lượng đường tồn kho từ niên vụ trước chuyển sang là 173.600 tấn, cùng với 61.000 tấn đường nhập khẩu theo thoả thuận khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu tính theo mức tiêu thụ hiện nay, lượng cung về đường sẽ thiếu so với nhu cầu.
Hiệp hội Mía đường cho rằng, tổng lượng đường còn lại của Việt Nam có thể đủ cung cấp đến cuối tháng 8/2009. Sang tháng 9, các nhà máy đường đã vào vụ sản xuất mới. Như vậy, lượng đường thiếu tập trung vào cuối tháng 8 và tháng 9.
Do đó, việc nhập khẩu đường để điều tiết thị trường cần xác định rất thận trọng và nên cân đối, quyết định vào tháng 7/2009. Đến hết tháng 3, lượng đường nhập khẩu mới là 10.000 tấn.
Chưa kể, do suy thoái kinh tế nên dự báo mức tiêu thụ đường sẽ giảm. Công tác chống nhập lậu đường cũng đang còn hạn chế.
Giá đường trong nước từ đầu vụ đến nay luôn biến động. Giá bán đường trắng loại I trong tháng 3/2009 bắt đầu tăng lên, từ 8.200-8.600 đồng/kg, tăng khoảng 400-1.000 đồng/kg so với đầu năm. Hiện nay, giá đường tiếp tục tăng, lên 8.800-9.000 đồng/kg từ đầu tháng 5.
Dự báo từ cuối tháng này, giá đường sẽ tăng lên mức 10.200-10.500 đồng/kg do tích trữ tại khâu lưu thông.