Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cty CP Mía đường Nông Cống: Xây dựng vùng nguyên liệu, chủ động hội nhập
21 | 04 | 2009
Sau hơn hai mươi năm “đứng chân” ở các huyện trung du, miền núi Thanh Hóa, mía đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Nhiều công ty mía đường đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung, có chính sách đãi ngộ cho người trồng mía, nhằm giữ ổn định vùng nguyên liệu. Công ty cổ phần Mía đường Nông Cống là một ví dụ.

Tiền thân là Công ty Đường Nông Cống, Công ty cổ phần Mía đường Nông Cống được thành lập từ năm 1999 xã không ngừng phát triển. Hiện, vùng nguyên liệu của Công ty đạt 5.019ha với trên 10.000 hộ của 41 xã (gồm 4 huyện: Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân, Tĩnh Gia), hơn 560 công nhân lao động trong Công ty có mức thu nhập bình quân tăng dần từ 2,1 triệu đồng/người/tháng năm 2001 lên 2,7 triệu đồng/người/tháng hiện nay.

Năm 2007 là năm đầu tiên Công ty hoạt động theo mô hình cổ phần, Hội đồng quản trị Công ty được sự nhất trí của các cổ đông, đã lập phương án đầu tư để nâng cấp dây chuyền sản xuất chính đạt công suất 3.000 tấn mía cây/ngày. Kết quả vụ sản xuất 2007 – 2008, Công ty ép được sản lượng mía lớn nhất từ trước tới nay cho nông dân, rút ngắn thời gian chế biến nên đã tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất nhưng chất lượng sản phẩm lại được nâng lên. Nếu năm 2002, doanh thu của Công ty chỉ đạt 84 tỉ đồng thì đến năm 2008 đã đạt hơn 204 tỉ đồng. ước tính, giá trị tiết kiệm được trong vụ sản xuất vừa qua trên 10 tỉ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến việc sản xuất, kinh doanh của Công ty là nguồn nguyên liệu. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty luôn gặp trở ngại là diện tích đất quy hoạch trồng mía nguyên liệu không ổn định. Nhiều nơi đất dốc khó canh tác, nhiều vùng nguyên liệu mía đã chuyển đổi sang trồng cao su, sắn, dứa... Do vậy, sản lượng mía nguyên liệu có chiều hướng giảm.

Trước tình hình đó, ban lãnh đạo Công ty đã phối hợp với UBND các huyện, đơn vị liên quan rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu nhằm ổn định và mở rộng diện tích trồng mía giai đoạn từ nay đến năm 2020. Cùng với đó, Công ty tiếp tục duy trì, điều chỉnh, bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu một cách linh hoạt với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người trồng mía. Hiện Công ty đã tăng mức hỗ trợ cho diện tích đất trồng sắn chuyển sang trồng mía lâu dài từ 300.000 đồng/ha lên 600.000 đồng/ha. Giá thu mua nguyên liệu và chính sách đầu tư hỗ trợ được niêm yết và phổ biến cho người dân. Công ty phối kết hợp với các ban ngành chức năng đầu tư thâm canh theo chiều sâu như: giống, cơ giới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư các công trình giao thông thủy lợi, tưới tiêu ở các vùng nguyên liệu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tới, Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Bước vào mùa vụ 2009 –2010, Công ty có những chính sách hỗ trợ thiết thực. Đối với những đơn vị ba năm liên tục có diện tích mía ổn định 100 - 200ha, năng suất bình quân 70 tấn/ha trở lên; từ 200 - 300ha, năng suất bình quân 65 tấn/ha; từ 300ha trở lên, năng suất bình quân 60 tấn/ha, chất lượng mía tốt, không đọng nợ, Công ty sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng công trình phúc lợi”.

Ngoài ra, Công ty còn chú trọng đầu tư đồng bộ, tối ưu hóa công suất thiết bị nhằm nâng công suất chế biến để đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao thu nhập cho người trồng mía.

Tin rằng, những chiến lược và chính sách hợp lòng dân sẽ tạo nên sự ổn định trong sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Mía đường Nông Cống.



Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường