Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường đường thế giới tháng 10/2008
12 | 11 | 2008
Giá đường giảm 13 – 20% trong tháng 10 do giá dầu giảm; Triển vọng giá đường dài hạn vẫn khả quan; Thị trường đường thế giới đang chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt; Giá trong 2 tháng cuối năm sẽ ở mức 12 – 14 US cent/lb. Giá đường thế giới giảm mạnh trong tháng 10/2008 do giá dầu mỏ giảm. Đường và dầu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về giá, bởi mía không chỉ để sản xuất đường mà còn được dùng ngày càng nhiều để sản xuất ethanol, năng lượng có thể thay thế xăng dầu.
Đường đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong một năm nay vào ngày 24/10, xuống chỉ 10,76 US cent/lb theo xu hướng giá các hàng hoá khác, do lo ngại khủng hoảng kinh tế kéo tụt nhu cầu các loại hàng hoá, kể cả xăng dầu. Tuy nhiên, vào những ngày cuối tháng, giá đã hồi phục trở lại. Tính chung trong tháng 10/2008, giá đường thô tại New York giảm 13,5%, từ 13,93 US cent/lb xuống 12,05 US cent/lb, còn đường trắng tại London giá giảm 20%, từ 386 USD/tấn xuống 310,50 USD/tấn. Mức giá đường cao kỷ lục của năm nay là 15,07 US cent/lb, đạt được vào ngày 3/3.

Cho dù hiện tại thị trường đang dư cung đường, nhưng nền tảng đang được cải thiện. Cung đường thế giới đang dần chuyển từ dưa thừa sang thiếu hụt. Bởi mía không chỉ được dùng để sản xuất đường mà còn dùng sản xuất ethanol – nhiên liệu thay thế xăng dầu. Do vậy, khi giá đường giảm, người ta chuyển hướng sang tăng cường sản xuất ethanol và giảm sản xuất đường. Cũng vì vậy, đường có mối liên hệ chặt chẽ với dầu mỏ, nên khi giá dầu tăng lập tức giá đường tăng theo.

Theo các hãng phân tích hàng đầu thế giới là F.O. Licht và Kingsman, mặc dù đang khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, tiêu thụ đường thế giới sẽ tiếp tục tăng vững, ở mức khoảng 2,5% mỗi năm. Vậy mà sản lượng đường thế giới niên vụ 2008/09 sẽ chỉ đạt 160,9 triệu tấn, giảm gần 10 triệu tấn so với mức 169,6 triệu tấn niên vụ trước, dẫn đến thiếu hụt cung/cầu trong niên vụ này, sau khi dư thừa hơn 10 triệu tấn mỗi vụ liền trong 2 năm trước. Kingsman vừa điều chỉnh tăng mức dự báo về thiếu cung đường toàn cầu trong niên vụ 2008/09 lên 4,7 triệu tấn, so với 3,8 triệu tấn dự báo trước đây, sau khi nhận định bão lớn mới đây gây thiệt hại không nhỏ tới các cánh đồng mía ở Cuba, bang Louisiana và Texas của Mỹ. Cuba có thể bị thiệt hại khoảng 0,3 triệu tấn đường trong vụ mùa tới, và Mỹ cũng sẽ mất một khoản tương tự như vậy.

Kingsman cho biết thêm con số thiếu hụt 4,7 triệu tấn có thể sẽ được điều chỉnh tăng lên nữa nếu sản lượng của Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới - niên vụ 2008/09 được điều chỉnh giảm xuống. Sản lượng đường mía Ấn Độ niên vụ 2008/09 sẽ giảm mạnh xuống 23,86 triệu tấn, so với 28,59 triệu tấn niên vụ trước, chủ yếu do giá đường thấp đúng vào vụ gieo trồng khiến nông dân chuyển sang trồng những loại cây khác. Trong trường hợp đó, thế giới sẽ thiếu khoảng 3-4 triệu tấn đường. Còn nếu sản lượng đường Ấn Độ chỉ đạt 20 triệu tấn thì mức thiếu hụt đường trên thị trường thế giới sẽ lên tới khoảng 6-7 triệu tấn. Thực tế là Ấn Độ đang chuyển dần từ nước xuất khẩu đưồng lớn sang nước nhập khẩu mặt hàng này, khi mà giá đường tại Ấn Độ cao hơn rất nhiều so với giá thế giới.

Tại Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, chi phí sản xuất đường thô ở các nhà máy cũ là 11 US cent/lb, còn ở những nhà máy mới hơn là 13 US cent/lb. Như vậy, chi phí sản xuất bằng với giá thị trường, điều này sẽ không khích lệ sản xuất đường. Giá năng lượng tăng trong mấy năm qua đã khiến Brazil chuyển sang tăng cường sử dụng mía để sản xuất ethanol. Tình hình xuất khẩu ethanol của Brazil đang rất khả quan, với khối lượng xuất khẩu vượt xa so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ tăng mạnh lượng xuất sang Mỹ và châu Âu. Xuất khẩu đường Brazil năm 2008/09 sẽ giảm xuống 18,8 triệu tấn so với 19 triệu tấn niên vụ 2007/08.

Trận bão Gutab đã tàn phá nhiều mùa màng của nhiều nước châu Mỹ. Hậu quả của trận bão này là Mỹ có thể sẽ phải gia tăng nhập khẩu đường, các cánh đồng mía của Cuba cũng bị thiệt hại nặng nề. Đầu tháng 8, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo nhập khẩu khẩn cấp 300.000 tấn đường. Dự kiến Mỹ sẽ phải nhập khẩu khoảng 0,5-1 triệu tấn đường, bởi dự trữ mặt hàng này của Mỹ sẽ giảm xuống mức 505 ngàn tấn từ mức 767 ngàn tấn một năm trước đây, mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Cuba cũng bị thiệt hại hơn 300 ngàn ha mía, trong tổng diện tích trồng mía năm nay khoảng 700 ngàn hécta. Hồi tháng 7, Bộ mía đường Cuba dự báo niên vụ mía 2009 có thể sẽ tăng 25-30% so với năm 2008, song với tình hình hiện nay, Cuba chưa chắc sẽ dư thừa đường. Tiêu dùng đường hàng năm của Cuba vào khoảng 700.000n tấn.

Dự báo giá đường thô trong những tháng còn lại của năm 2008 sẽ ở mức 12-14 US cent/lb, và sẽ tăng lên mức 16,50 US cent/lb (1 lb = 0,454 kg) vào năm 2009 và có nhiều khả năng chạm tới 17 US cent/lb trong năm 2010 do nguồn cung đường cho thị trường sẽ bị thắt chặt hơn, trong khi sản lượng đường của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giảm, mà nhu cầu lại tăng khá ổn định. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều đường hơn lượng đường đã nhập trong vòng 5 năm qua.





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường