Ban soạn thảo cho biết, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO, những thách thức và cơ hội sẽ rất nhiều và phức tạp. Tuy nhiên, việc đặt ra những yếu tố cơ bản nhằm hoạch định chính sách và đưa ra các giải pháp đồng bộ, hiệu quả là việc đầu tiên và quan trọng nhất.
Theo đó, bản dự thảo đã nêu lên 4 cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam thời kỳ hậu WTO.
Lợi thế thứ nhất luôn được các doanh nghiệp nước ngoài xem xét đến khi đầu tư vào Việt Nam chính là lực lượng lao động trẻ hùng hậu, có trình độ văn hóa khá và đồng đều, khả năng tiếp thu công nghệ nhanh và chấp nhận mức lương thấp hơn các thị trường khác.
Thứ hai, ngay trong quá trình đàm phán gia nhập WTO (và trước đó, kể từ bước vào công cuộc đổi mới), hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật lao động đã được xây dựng, ban hành và cơ bản đảm bảo các tiêu chuẩn lao động quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển xã hội.
Thứ ba, trong những năm gần đây, thị trường lao động Việt Nam đã hình thành và dần hoàn thiện. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương hay Hải Phòng…, thị trường lao động đã phát triển khá mạnh mẽ, sôi động. Từ đó, các doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp nước ngoài) có thêm lựa chọn về nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch về lao động giữa các khu vực kinh tế, các địa phương và ngành nghề cũng đang diễn ra khá lành mạnh, tạo nên sự ổn định về mặt số lượng cho thị trường.
Thứ tư, các chính sách về an sinh xã hội đã hình thành và phát triển, nhiều chính sách xã hội đã được thực hiện có hiệu quả nhằm khắc phục những hệ quả phát sinh từ thị trường lao động.
Đây chính là những thuận lợi cơ bản để Việt Nam có một thị trường lao động phát triển mạnh mẽ, nâng cao dần mặt bằng trình độ nhân lực chung đồng thời trở thành một trong những nhân tố cơ bản nhất thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, những thách thức khi tham gia hội nhập sâu rộng cũng không phải là nhỏ. Và nếu không sớm khắc phục được những điểm yếu này, sự đổ vỡ hay phát triển thiếu cân đối của thị trường lao động – việc làm sẽ dẫn đến nguy cơ đe dọa đến nền kinh tế nói chung.
Khó khăn thứ nhất được các chuyên gia tham gia soạn thảo báo cáo đề cập đến chính là hạn chế về trình độ chuyên môn, tay nghề của phần lớn lao động. Điều này có thể thấy rõ ở chỗ, đại đa số lao động Việt Nam hiện nay là lao động phổ thông, lượng lao động có tay nghề qua các trường hoặc trung tâm đào tạo nghề rất thấp và đa số đều được các doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay khi ra trường.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, hiện có đến 74,7% lực lượng lao động chưa qua đào tạo, tập trung phần lớn ở nông thôn, khu vực kém phát triển.
Cùng với vấn đề về tay nghề, người lao động Việt Nam (trong đó nổi cộm là lao động thuộc diện chính sách giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp) có ý thức, tác phong, thái độ làm việc và chấp hành pháp luật chưa cao.
Khó khăn thứ hai xuất phát từ việc di chuyển lao động giữa các vùng, nhất là từ nông thôn ra đô thị, khu công nghiệp tập trung, di chuyển lao động trong và ngoài nước.
Khó khăn thứ ba là hiện nay việc thực hiện theo pháp luật lao động ở các doanh nghiệp còn thấp. Trong đó đáng chú ý là vấn đề vi phạm về chế độ đãi ngộ cho nhân công, công tác an toàn – vệ sinh lao động, thậm chí nhiều doanh nghiệp không thành lập tổ chức công đoàn theo quy định. Thực trạng này thực tế cũng xuất phát từ việc pháp luật lao động hiện có phạm phi điều chỉnh hẹp và tính cưỡng chế thi hành chưa cao.
Thứ tư, các hoạt động dịch vụ liên quan đến lĩnh vực lao động và thị trường lao động hiện chưa thật sự hoàn thiện, quy mô thị trường lao động còn hạn chế, chưa tương xứng với sự phát triển. Số người tham gia thị trường lao động Việt Nam mới chỉ chiếm 20% lực lượng lao động.
Cuối cùng là khó khăn về nhận thức của một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động, trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức về hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế. Có thể thấy rằng, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn khá “mù mờ” về khái niệm hội nhập, WTO hay toàn cầu hóa, còn ở đại đa số người lao động thì tình trạng này còn đáng ngại hơn.