Trên địa bàn Hà Tây cũ có 5 khu công nghiệp quy mô lớn đang được triển khai xây dựng và hàng loạt dự án khu đô thị mới đang được giải phóng mặt bằng chiếm hàng nghìn ha đất… Và câu chuyện về đời sống, công ăn việc làm của người nông dân sau quá trình đô thị hóa vẫn còn là dấu hỏi...
Nỗi niềm nông dân… mất đất
Theo PGS-TS Đặng Ngọc Dinh (Giám đốc Trung tâm CECODES, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam), những lao động nông nghiệp khi mất đất mà không chuyển được nghề kinh doanh thì thu nhập của họ giảm sút hoàn toàn, dẫn đến giảm mức tăng trưởng kinh tế ở khu vực nông thôn. Trong khi đó người dân sử dụng tiền bồi thường chưa đúng mục đích và hiệu quả, đặc biệt là những trường hợp bị thu hồi hết đất. Lao động nông nghiệp bị mất đất khó kiếm được việc làm mới, dẫn đến những khó khăn xã hội. Khoảng 70 - 80% số lao động thuộc diện bị thu hồi đất, không chuyển đổi được ngành nghề, phải di chuyển vào các thành phố bán rong trên đường phố hoặc làm các dịch vụ khác.
PGS-TS Nguyễn Sinh Cúc (Tổng cục Thống kê) dẫn số liệu của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, ở vùng đồng bằng sông Hồng, trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động mất việc làm, trong khi đó 1 ha đất nông nghiệp hàng năm tạo ra việc làm cho 13 lao động nông nghiệp. Người mất việc làm chủ yếu là nông dân, có trình độ văn hóa thấp, chuyên môn thấp, chưa qua đào tạo nghề phi nông nghiệp nên cơ hội tìm việc làm ngoài nông nghiệp rất khó.
Theo kết quả điều tra của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, tại các vùng mất đất do đô thị hóa và xây dựng khu công nghiệp ở vùng đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ lao động không được đào tạo nghề, không có chuyên môn rất cao: Hà Nội 76,2%, Hải Phòng 89%, Bắc Ninh 87%.
Do đó, số lao động không có việc làm sau khi bị thu hồi đất tăng nhanh. Tại Hà Nội, tỷ lệ lao động không có việc làm trước khi thu hồi đất là 4,7% tăng lên 12,4% sau khi thu hồi đất. Số người thất nghiệp ngày càng tăng, cơ cấu nghề nghiệp cũng thay đổi: Số người chuyển sang buôn bán tăng 2,72%, chuyển sang làm xe ôm tăng 3,64%, số người làm công việc khác tăng 4,1%, trong khi số người gắn với các khu công nghiệp chỉ tăng 2,79%.
Như vậy, rõ ràng các khu công nghiệp không tạo thêm nhiều việc làm mới đủ sức hút lao động nông thôn bị mất hoặc giảm đất nông nghiệp.
Đào tạo nghề cho nông dân có khả thi?
Theo PGS-TS Nguyễn Sinh Cúc, doanh nghiệp lấy đất không quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho nông dân nên kết quả thu hút lao động tại chỗ đạt được rất thấp. Tỷ lệ lao động mất đất được doanh nghiệp đào tạo ở Hà Nội là 0,01%, Hải Phòng 0%, Bắc Ninh 0%. Trong khi đó, lao động do Nhà nước đào tạo nghề cho nông dân vùng mất đất cũng không đáng kể. Tỷ lệ lao động do gia đình tự đào tạo có cao hơn nhưng cũng còn thấp xa với yêu cầu tạo việc làm mới phi nông nghiệp: Hà Nội 0,9%, Hải Phòng 0,1%, Bắc Ninh 0,3%.
Vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong quản lý nhà nước về chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân mất đất. Kế hoạch phát triển khu công nghiệp không gắn với kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân. Một số trung tâm đào tạo nghề cho nông dân chỉ biết đào tạo, không biết nhu cầu thị trường, không biết sau đào tạo nông dân có được nhận vào làm ở các khu công nghiệp hay không. Tại Hà Nội, một số lao động mất đất được đào tạo bằng nguồn vốn của Nhà nước, tỷ lệ sau đào tạo được nhận vào làm việc là 33%, bằng vốn của gia đình là 45,6%.
PGS-TS Nguyễn Văn Nam (Viện Kinh tế Thương mại) nhận định, có nhiều phương án để tạo công ăn, việc làm cho nông dân bị thu hồi đất như hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển nghề mới, ưu tiên tuyển dụng vào lao động tại các cơ quan, cơ sở kinh tế mới xây dựng trên đất đã thu hồi, tuyển lao động vào các khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động… Các khả năng thì nhiều nhưng thực hiện lại rất ít, đa phần các chủ dự án lúc tiến hành giải tỏa để thu hồi đất đều có cam kết với những người thu hồi đất sẽ tạo việc làm cho họ, nhưng cuối cùng không thực hiện được bao nhiêu.
Phát triển đô thị thì không gian phải mở rộng ra các vùng đất nông nghiệp, tạo việc làm cho nông dân mất đất là nhiệm vụ mấu chốt. Có giải quyết được việc làm mới ổn định được đời sống, ổn định xã hội các vùng đô thị mới. Nhà nước cần có chính sách và biện pháp cho người dân chủ động tạo việc làm cho mình, những công việc phục vụ đời sống đô thị, không đẩy người dân ra khỏi sản xuất nông nghiệp nhưng lại đứng ngoài đời sống đô thị. Nhà nước cần tạo điều kiện cho họ hòa nhập vào đô thị, là một công dân của đô thị, lao động đóng góp cho sự phát triển của đô thị.