Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Liệu có quá bi đát khi mở cửa thị trường bán lẻ?
30 | 12 | 2008
Thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ đã cận kề (1/1/2009). Rất nhiều ý kiến lo ngại rằng các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ bị các tập đoàn hùng hậu của nước ngoài làm cho điêu đứng...

Thế nhưng, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói rằng: “Việc mở cửa thị trường bán lẻ sẽ đan xen cả thách thức lẫn khó khăn, chứ không bi đát như những dự báo kiểu "các DN nước ngoài sẽ ồ ạt đổ bộ vào thị trường VN, đẩy các DN, hộ kinh doanh VN vào tình thế khó khăn, có nguy cơ phá sản".


2 năm chưa có đăng ký mới


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhiều lần nhấn mạnh những lo lắng về nguy cơ nhà phân phối nước ngoài thâu tóm thị trường có vẻ thái quá. Ông dẫn chứng, thực tế đến thời điểm hiện tại chưa xuất hiện thêm những đơn xin gia nhập thị trường mới như lo sợ. Thông tin ồ ạt trên báo chí về những “đại gia” bán lẻ đang xếp hàng “đổ bộ” vào VN mới chỉ là đồn đoán chứ chưa hiện thực hóa.

Không nên hiểu là mở cửa cho DN bán lẻ nước ngoài có nghĩa là DN, hộ kinh doanh VN sẽ "chết". Nguồn ảnh: VNN

Xác nhận điều này, bà Hoàng Thị Tuyết Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương cho biết, suốt hai năm qua, kể từ khi VN gia nhập WTO chưa có thêm DN phân phối nước ngoài nào đăng ký mở cơ sở bán lẻ tại Việt Nam, chủ yếu là đơn xin mở thêm cơ sở bán lẻ của những tên tuổi cũ như Metro, Big C. Ngay cả đại siêu thị Lotte Mart mới khai trương rầm rộ hôm 18/12 vừa qua cũng đã đăng ký từ năm….1996.


Ông Tú cũng cho rằng không có cơ sở lo ngại cho một cuộc “đổ bộ” rầm rộ của các đại gia phân phối nước ngoài trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái, thị trường tiêu dùng trong nước trầm lắng như hiện nay.


“Nguyên tắc thị trường thì cung lớn không quyết định hết mà còn phụ thuộc vào cầu. Các nhà bán lẻ nước ngoài có vào hay không phải phụ thuộc vào cầu trong nước mà hiện sức mua của người dân VN đang suy giảm. Tình hình khó khăn này các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất đắn đo khi quyết định vào VN", ông Tú nói.


Ở góc độ tiềm năng thị trường, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách trong nước phân tích DN phân phối VN không nên lo lắng thái quá. Bởi theo ông “đối với thị trường bán lẻ VN, hiện kênh phân phối truyền thống đang chiếm khoảng 85% lưu chuyển hàng hóa bán lẻ. Đây là dư địa cho các DN, hộ kinh doanh VN vì các DN có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu vào khai thác thị trường thông qua kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị…).


Bên cạnh đó, mốc 1/1/2009 chỉ là bước tiếp theo của lộ trình mở cửa thị trường bán lẻ của VN. Trước khi gia nhập WTO, VN cũng đã cho phép Metro, Big C mở siêu thị. Như vậy, không phải đến thời điểm 1/1/2009, các DN bán lẻ trong nước mới phải đối mặt với cạnh tranh mà đã có sự chuẩn bị, thậm chí cạnh tranh trước vài năm.


Do đó, ông Tú kết luận “việc mở cửa thị trường bán lẻ sẽ đan xen cả thách thức lẫn khó khăn, chứ không bi đát như những dự báo kiểu "các DN nước ngoài sẽ ồ ạt đổ bộ vào thị trường VN, đẩy các DN, hộ kinh doanh VN vào tình thế khó khăn, có nguy cơ phá sản".


63 tỉnh, thành sẽ có 63 ENT?


ENT hiểu nôm na là kiểm tra nhu cầu kinh tế dựa trên 3 tiêu chí: số lượng các nhà bán lẻ trên một địa bàn cụ thể, sự ổn định của thị trường và quy mô địa lý của khu vực dân cư. Ngoài ra, còn có thêm hai tiêu chí khác đã được Chính phủ ban hành là quy hoạch của các tỉnh, thành phố và mật độ dân cư. Như vậy, nếu thị trường cần thêm một điểm bán thì địa phương sẽ cấp phép còn nếu cho rằng chưa cần, nhà quản lý có quyền từ chối cấp phép.

Đến giờ Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về nhu cầu kinh tế và cụ thể hóa các tiêu chí kể trên, cũng như chưa xác định được thế nào là điểm bán lẻ.

Hiện có 90 thành viên của WTO đã sử dụng ENT và áp dụng 253 quy định.

Một trong những lý do không cần lo lắng thái quá về khả năng DN phân phối nước ngoài thâu tóm thị trường là “phao ENT”.

Theo cam kết với WTO, kể từ ngày 1/1//2009, Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ hoàn toàn cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài nhưng điều này không có nghĩa, các DN này muốn mở bao nhiêu điểm bán lẻ tại VN cũng được. Trên thực tế, để mở địa điểm thứ 2 trở lên, các DN phải chịu sự chi phối bởi ENT. Nhưng hiện nay, không chỉ các nhà đầu tư mà chính các địa phương cũng đang rất lúng túng trong việc xây dựng cơ sở ENT.


Về vấn đề này, ông Tú cho rằng lúng túng là đương nhiên vì chúng ta mới ở bước đầu thực hiện lộ trình mở cửa nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Còn muốn biết cụ thể ENT thế nào thì nhà đầu tư phải đến từng địa phương tìm hiểu cụ thể vì “Bộ Công Thương chỉ xây dựng khung thực hiện ENT chứ không làm ra một ENT cứng nhắc.


Kiểm tra nhu cầu kinh tế là nhằm tạo khoảng linh hoạt về chính sách để thích hợp với mỗi vùng miền, vì không thể áp dụng nhu cầu của Hà Giang cho Hà Nội được”. Tuy nhiên, ông Tú cũng cho biết, điều đó không có nghĩa là 63 tỉnh, thành sẽ có 63 ENT khác nhau.


Ngoài ra, ngoại trừ các doanh nghiệp đã vào Việt Nam trước thời điểm mở cửa kinh doanh những mặt hàng trong diện cấm như lúa gạo, đường, rượu, thuốc lá, sách báo…. vẫn được bán theo quy định không hồi tố của WTO, các doanh nghiệp FDI đăng ký mới sẽ bị hạn chế kinh doanh những mặt hàng này. Đây chính là lợi thế mà các doanh nghiệp trong nước có được bên cạnh “lợi thế sân nhà” mà ông Xuân cho là “khá trừu tượng”.


Về Đề án phát triển hệ thống phân phối của Bộ Công Thương, ông Tú cho rằng đây chỉ là định hướng cho các DN nhà nước không liên quan đến doanh nghiệp dân doanh cũng như mốc 1/1/2009. “DN dân doanh phải tự xây dựng hệ thống của mình chứ giờ theo nguyên tắc thị trường, Bộ Công Thương chỉ xây dựng đề án cho các DN nhà nước thôi”.


Cũng liên quan đến các DN trong nước, ông Tú cho rằng quan điểm của Bộ Công Thương là phải tôn trọng các cam kết WTO. “Các DN cứ hay đặt ra yêu cầu về ưu đãi dựa trên quyền lợi của mình nhưng khi đã gia nhập WTO thì sẽ có những vấn đề không thể thực hiện được. Cách đặt vấn đề đòi hỗ trợ từ phía Nhà nước như vậy cũng không phù hợp”.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường