Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Liên kết để không thua trên sân nhà
10 | 08 | 2011
Theo dự báo, năm 2011, lượng càphê xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 1,3 triệu tấn cùng mức giá khá cao. Tuy nhiên, với thực tế như hiện nay, có lẽ phần lớn lợi nhuận sẽ rơi vào túi các doanh nghiệp (DN) sử dụng vốn nước ngoài…
DN ngoại "lấn sân"
Từ đầu năm 2011 đến nay, nhiều DN thu mua càphê xuất khẩu trong nước như ngồi trên lửa, khi các DN nước ngoài thông qua đại lý đã đến tận rẫy thu mua càphê. Ngoài ra, những DN này còn sẵn sàng "phá giá", gây nhiều khó khăn cho DN trong nước, góp phần đẩy giá càphê trên thị trường lên "cơn sốt" trong thời gian qua…
Đầu niên vụ 2010-2011, Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk (Inexim Đắk Lắk) đã đầu tư vốn cho hàng trăm hộ dân ở huyện Cư M'gar trồng càphê. Nông dân được hỗ trợ tiền mua phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc… Tuy nhiên, vào cuối vụ thu hoạch, Inexim Đắk Lắk không mua được đến 50% lượng càphê như dự kiến do DN nước ngoài đã nhanh tay mua trước. Bức xúc vì bị "hớt tay trên", ông Văn Thành Huy, Tổng giám đốc Inexim Đắk Lắk cho biết, DN nước ngoài nếu chịu đầu tư cho nông dân và thu mua trên diện tích đầu tư hay mua càphê trôi nổi trên thị trường là điều bình thường. Nhưng thu mua ngay trên diện tích càphê do DN trong nước đầu tư là chuyện cạnh tranh không lành mạnh.
Theo lộ trình cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2011, Việt Nam phải mở cửa cho DN nước ngoài tham gia xuất khẩu một số nông sản như gạo, càphê… Thông tư 09/2007/TT-BTM ngày 17/7/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng nêu rõ: DN có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN nước ngoài đã "lách luật", bằng việc mua càphê nguyên liệu một cách hợp pháp từ các đại lý, DN trong nước… có giấy phép kinh doanh. Trước tình trạng DN ngoại "lấn sân", Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) rà soát lại hoạt động thu mua và xuất khẩu nông, lâm sản của DN có sử dụng vốn nước ngoài…
Liên kết để…cứu mình
Lâu nay, DN càphê trong nước thường "một mình một chợ" trong thu mua sản phẩm. Với việc xuất hiện DN ngoại "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", nhiều DN nội với tiềm lực tài chính có hạn đang gặp nhiều khó khăn. Ước tính, hiện có hàng chục DN nước ngoài đang tiến hành thu mua càphê tại các vùng trọng điểm: Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông…
Đại diện một DN ở Gia Lai cho rằng, DN có sử dụng vốn nước ngoài đã thu mua khoảng 60% lượng càphê trong nước. Đặc biệt, hầu hết các DN này sau khi thu gom càphê đều tự chế biến, kiểm định và xuất khẩu. Các cơ quan chức năng rất khó kiểm định được chất lượng. Về lâu dài, DN ngoại tham gia trực tiếp vào mạng lưới thu mua càphê như hiện nay, không chỉ khiến DN trong nước lao đao mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất. Nhiều người lo ngại, nếu DN nước ngoài "thâu tóm" được thị trường thì tình trạng "ép giá" đối với người nông dân hoàn toàn có thể xảy ra.
Để tự cứu mình, việc liên kết các DN xuất khẩu trong nước được xem là giải pháp hữu hiệu cần thực hiện ngay. Từ trước đến nay, với cung cách làm ăn "mạnh ai nấy làm", các DN rất ít khi bàn chuyện hợp tác nhưng nay, trước nguy cơ mất thị phần đang diễn ra, DN cần "bắt tay" xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, qua đó gia tăng vị thế, uy tín cho càphê Việt Nam, tránh tình trạng để DN nước ngoài lấn lướt như hiện nay.
Điều đáng quan tâm, gạo và càphê đang là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong khi DN nước ngoài muốn thu mua gạo xuất khẩu phải bảo đảm tiêu chí về hệ thống kho chứa, vận chuyển… nhưng càphê lại chưa có được những rào cản "mềm" đó. Do vậy, ngoài nỗ lực của DN, cơ quan chức năng cần xây dựng những chính sách đồng bộ, hỗ trợ tối đa cho DN trong nước. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ vốn thu mua càphê xuất khẩu cho các DN phải được chọn lọc, tránh tình trạng tràn lan như hiện nay. Chỉ nên tập trung ưu tiên những DN thu mua càphê xuất khẩu uy tín, đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài trên thị trường.
Theo KTNT


Báo cáo phân tích thị trường