Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau quả Việt Nam thua trên sân nhà
08 | 12 | 2010
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nước ta bình quân khoảng 15 tỉ USD/năm.

Thế nhưng, theo Bộ Công Thương, gần đây các mặt hàng nông sản nhập khẩu diện không được khuyến khích nhập như rau-củ-quả lại đang có xu hướng tăng lên. Trong số này, rau-củ-quả từ Trung Quốc chiếm khoảng 70% kim ngạch nhập khẩu của ngành hàng này. Rau- củ-quả Việt Nam đang dần thua trên sân nhà bởi giá cả và mẫu mã.

Rau- củ-quả Việt Nam đang dần thua trên sân nhà bởi giá cả và mẫu mã.     ảnh: D.H
Rau- củ-quả Việt Nam đang dần thua trên sân nhà bởi giá cả và mẫu mã. ảnh: D.H

Hàng nội kém cạnh tranh

Mặc dù nước ta là nước nông nghiệp, việc trồng trọt các sản phẩm rau-củ-quả như càrốt, khoai tây, bắp cải, củ hành, tỏi... không có gì là lạ, thế nhưng theo khảo sát từ các chợ đầu mối đến các siêu thị, chợ bán lẻ lớn nhỏ đều thấy các loại rau-củ-quả nội - ngoại, mà nhất là các loại có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán khá nhiều, thậm chí áp đảo cả hàng trong nước. Đáng lo ngại là nhiều nơi đang cố ý trộn lẫn các sản phẩm nội - ngoại hoặc đánh lừa người tiêu dùng (NTD) về xuất xứ sản phẩm để nâng giá.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sở dĩ có tình trạng này là vì rau-củ-quả Trung Quốc đang thắng thế về giá cả rẻ và mẫu mã đẹp. Nguyên nhân khiến nông sản Trung Quốc dễ dàng xâm chiếm thị trường và có giá rẻ do đang giữ nhiều lợi thế. Theo cam kết khi tham gia Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, hầu hết các mặt hàng rau, quả tươi từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Bên cạnh đó, rau-củ-quả tươi cũng là mặt hàng thuộc diện không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, nông sản trong nước vẫn ở trong tình trạng sản xuất manh mún, tiêu thụ nhỏ lẻ, người dân tự xoay xở trong việc canh tác, đưa đi tiêu thụ, chưa hình thành khâu phân phối hiệu quả nên hàng trong nước - nhất là các sản phẩm rau-củ-quả sản xuất theo phương pháp an toàn - trở nên yếu thế.

Ông Trần Văn Hợt - Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Ngã Ba Giồng (TPHCM) - cho biết: “Hiện các loại rau an toàn mà hợp tác xã sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn Viet Gap, tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn cho NTD. Để đảm bảo được điều này, chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ phải cao hơn so với các sản phẩm sản xuất có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng... Do giá thành cao, việc tiêu thụ sẽ càng khó đưa đến các chợ như những sản phẩm khác, mà hiện chủ yếu chỉ có thể phân phối qua kênh siêu thị”.

Không những không chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, việc quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm khi nhập khẩu rau-củ-quả Trung Quốc cũng khá thông thoáng. Bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam - cho biết: “Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng có tiến hành kiểm tra lấy mẫu một số loại nông sản nhập khẩu và đã phát hiện một số sản phẩm có kết quả vượt mức cho phép về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, các kết quả này cũng chỉ để nắm tình hình, chứ không giải quyết được gì”.

Phát triển nông sản an toàn trong nước

Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, hàng chục năm qua đã có thể sản xuất được mặt hàng rau-củ-quả đáp ứng nhu cầu trong nước. Không những vậy, một số loại trái cây đặc sản của Việt Nam còn chinh phục và được ưa chuộng, được nhập khẩu vào một số thị trường khó tính ở Châu Âu, Mỹ. Với diện tích đất trồng rau-củ-quả của cả nước trong khoảng 800.000 - 900.000ha, nước ta hoàn toàn không cần phải nhập siêu về nông sản như thời gian gần đây. Thế mà, trong 1-2 năm nay, rau-củ-quả Trung Quốc lại ồ ạt nhập vào Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường nhờ yếu tố giá rẻ. Điều này khiến ngành nông nghiệp Việt Nam phải xem lại vì sao sản xuất chưa tốt như năng suất không đảm bảo, dẫn đến giá thành cao hơn nhập khẩu từ các nước lân cận.

Bác sĩ Trần Văn Ký góp ý thêm: “Để NTD có điều kiện sử dụng những sản phẩm nông sản an toàn, không có giải pháp nào hay hơn là chúng ta cần nhanh chóng đầu tư phát triển những vùng rau an toàn, ngày càng nhân rộng thêm nhiều thương hiệu rau an toàn. Các sản phẩm thì được đóng gói, đóng thùng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các vùng rau an toàn này được các cơ quan chức năng hướng dẫn, quản lý ngay từ gốc về kỹ thuật cũng như những quy định để trồng trọt, sản xuất những sản phẩm hoàn toàn đảm bảo ATVSTP. Mặt khác, cũng cần hỗ trợ, xây dựng mạng lưới phân phối cho các nhà sản xuất rau-củ-quả an toàn để sản phẩm này được đưa đến NTD dễ dàng, với chi phí thấp nhất để có thể hạ giá các sản phẩm rau-củ-quả an toàn hiện nay giảm nhiều hơn. Một khi nội lực của chúng ta mạnh, nông sản chúng ta mới có thể lấy lại thị trường”.



Theo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường