Theo Vụ Châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Thương mại), chương trình "thu hoạch sớm" (EHF) trong khuôn khổ Hiệp định về hợp tác toàn diện ASEAN- Trung Quốc chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2004. Chương trình có nội dung chính: xây dựng chế độ ưu đãi thuế quan đối với 5.400 mặt hàng, trong đó có 600 mặt hàng nông sản.
Riêng đối với Việt Nam, mặc dù chưa phải là thành viên của WTO, nhưng cũng từ 1/1/2004 đã được Trung Quốc dành cho ưu đãi tối huệ quốc đối với các mặt hàng xuất khẩu vào nước này như các nước WTO khác; trong đó thuế suất trung bình cho hàng nông sản giảm xuống còn 13,6%.
Đánh mất cơ hội vàng
Theo các chuyên gia của Bộ Thương mại, với những ưu đãi trên, hàng nông sản Việt Nam, nhất là mặt hàng rau quả đứng trước nhiều cơ hội lớn đối với một thị trường tiêu thụ 1,3 tỷ dân, lại ở ngay cạnh kề, cộng thêm nhu cầu nhập khẩu hàng năm của quốc gia này không ngừng gia tăng.
Nhưng, rất đáng tiếc Việt Nam đã để tuột mất cơ hội vàng. Kể từ ngày thực hiện chương trình "thu hoạch sớm" đến nay, hàng nông sản của ta xuất khẩu vào Trung Quốc chưa có gì chuyển biến.
Không những thế, các mặt hàng được hưởng ưu đãi lại có kim ngạch giảm dần. Trước đây năm 2001, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản (chủ yếu rau quả) Việt Nam sang Trung Quốc đạt 142,8 triệu USD, năm 2005 giảm xuống còn 35 triệu USD. Riêng mặt hàng rau quả, năm 2004 chỉ đạt 20 triệu USD, bằng 14% so với năm 2001, năm đạt kim ngạch xuất khẩu rau quả cao nhất và chỉ bằng 29,65% so với năm 2003.
Đây là tín hiệu đáng buồn khi mà thị trường Trung Quốc đã có thời tiêu thụ tới 50% sản lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Đáng buồn hơn, trong khi hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc giảm, hàng Thái Lan xuất khẩu vào quốc gia này lại tăng mạnh, năm 2004 đạt tới 445 triệu USD (tăng 81% so với năm 2003).
Nguyên nhân chính làm cho hàng nông sản Việt Nam "mất mùa" ở thị trường Trung Quốc, theo các chuyên gia ngành thương mại là do giữa Trung Quốc và Thái Lan có thoả thuận bỏ hẳn thuế nhập khẩu đối với 188 mặt hàng rau quả từ Thái Lan vào Trung Quốc, từ 1/1/2003, làm cho rau quả Thái Lan có lợi thế hơn hẳn rau quả Việt Nam.
Là "nhà buôn" lớn, khi tạo được lợi thế Thái Lan không bỏ lỡ cơ hội, tập trung đầu tư lớn, để khai thác lợi thế, như mở đường thuỷ ngược sông Mê Kông chuyên chở rau quả, hải sản đến các tỉnh phía Tây xa xôi của Trung Quốc; mở đường buôn chuyến" bằng hàng không chở nông sản, hải sản tươi sống đến các tỉnh Trung Quốc bán tươi ngay trong ngày.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù đã được Bộ Thương mại cảnh báo, nhưng vẫn không tận dụng được những ưu đãi về thuế quan đối với mặt hàng nông sản nói chung và rau quả nói riêng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Hàng Trung Quốc chiếm gần hết thị trường!
Trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam vào Trung Quốc giảm liên tục, thì ngược lại kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc vào Việt Nam lại tăng lên khá mạnh, từ 30,9 triệu USD năm 2001 tăng lên 80,2 triệu USD năm 2005.
Năm 2006, chưa có con số cụ thể, nhưng theo dự đoán của giới chuyên môn, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc sẽ tăng hơn năm 2005.
Có thể gọi đây là một nghịch lý của ngành rau quả Việt Nam, xuất siêu thành nhập siêu. Thực tế này cho thấy hàng nông sản Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn khi tham gia thị trường khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc. Và, khi gia nhập WTO không biết rau quả Việt Nam còn bị "chèn" đến mức nào ngay trên sân nhà?
Nằm cạnh vựa hoa quả ĐBSCL, nhưng trong tổng số trên 500 tấn trái cây nhập về chợ hàng ngày ở Tp.HCM có tới 300 tấn là trái cây nhập ngoại, chủ yếu của Trung Quốc. Khoảng 70% mặt hàng rau quả từ các khách sạn, nhà hàng trong cả nước cũng nhập từ nước ngoài. Theo Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (nơi cung cấp hơn 50% trái cây cho thị trường Tp.HCM), nếu tháng 8/2005 lượng hàng nông sản của Trung Quốc về chợ chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng hàng rau củ quả, trái cây hàng đêm, thì đến tháng 10/2006 lượng hàng này đã chiếm 30- 35%.
Hàng hoá vẫn là táo, lê, cà rốt, khoai tây, hành, tỏi, cam, quýt, súp lơ, gừng, nho xanh, nho đỏ, lựu, khoai môn sáp, cà chua... Hầu hết những mặt hàng này Việt Nam đều có, chất lượng không thua kém, thậm chí còn hơn, nhưng vì sao hàng Trung Quốc vẫn ồ ạt đổ về?
Trước hết, là do giá hàng Trung Quốc thường rẻ hơn hàng Việt Nam cùng loại từ 1.000- 3.000 đồng/kg. Ví dụ: khoai tây Đà Lạt giá 7. 000- 8.000 đồng/kg, thì khoai tây Trung Quốc bán buôn chỉ 5.000- 6.000 đồng/kg. Rau quả của Trung Quốc giá rẻ và điều quan trọng hơn để được lâu ngày. Trong khi rau củ quả nước ta chỉ để được 2-3 ngày, thì hàng Trung Quốc để được 5- 6 ngày vẫn tươi. Điều này chứng tỏ công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Trung Quốc đã đạt trình độ cao.
Một yếu tố khác rất quan trọng để hàng Trung Quốc ngày càng lấn sân hàng Việt Nam là buôn bán hàng Trung Quốc lời hơn hàng Việt Nam. Theo giới tiểu thương ở các chợ đầu mối hoa quả Tp.HCM thì lợi nhuận sẽ tăng lên 1,5 lần. Vì giá bán buôn rẻ, do hàng Trung Quốc về thành phố đều phải sử dụng container lạnh, mở ra là phải bán hết trong ngày.
Như vậy, với 3 lợi thế giá rẻ, để được lâu đối với người tiêu dùng và lời nhiều hơn đối với giới tiểu thương, hàng rau củ quả Trung Quốc đang lấn sân, chiếm lĩnh thị phần hàng Việt Nam trên sân nhà. Bằng chứng ban quản lý các chợ đầu mối đưa ra là nhiều mặt hàng như hành tây, cà rốt, khoai tây, tỏi... của Đà Lạt, của các tỉnh đổ về Tp.HCM chỉ còn khoảng 2/3 so với cách đây 3 năm.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Cty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức lo lắng: "Nếu chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu trong việc canh tác và có các công đoạn xử lý sau thu hoạch thì hậu quả tất yếu là hàng Trung Quốc sẽ tiếp tục "tấn công" mạnh vào thị trường Việt Nam. Các chợ đầu mối có nguy cơ trở thành nơi tiêu thụ hàng nông sản cho Trung Quốc".
Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) thì đang có khoảng 1 tỷ tấn nông sản ở các nước châu Á sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam khi nước ta gia nhập WTO, lúc đó Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ nông sản thế giới!?