Giá rau tăng gấp đôi
Sáng 26.10, tại chợ đầu mối lớn nhất của Hà Nội là Long Biên, chị Hải - một chủ buôn rau cho biết: Nguồn cung giảm nên giá bán rau đã bị đẩy lên suốt mấy tuần nay. Nhiều loại rau có lượng về chỉ bằng 50% so với trước, như các loại rau cải, rau dền, su hào, súp lơ...
Tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), các loại rau cải ngọt, rau muống, su hào cũng được bán lẻ với giá cao: Rau cải ngọt là 20.000 đồng/kg, rau muống 15.000-17.000 đồng/mớ to, cà rốt 20.000-25.000 đồng/kg. Các mức này đều đã tăng từ 1.000-5.000 đồng/kg hoặc bó tùy loại.
Nếu tính từ đầu tháng 10 đến nay, thì giá các loại rau đã tăng từ 15-30%, thậm chí có loại rau tăng gấp đôi như rau muống từ 5.000 đồng/bó lên 10.000 đồng/bó, rau cải 5.000-6.000 đồng/bó lên 10.000-12.000 đồng/bó; nhiều loại rau thơm, rau mùi còn tăng từ 1.000 đồng/mớ lên 3.000 đồng/mớ. Có ngày, nhiều loại rau mà bà nội trợ phải tìm đỏ mắt mới thấy như rau dền...
Giá rau tại các chợ tăng mạnh, song một nghịch lý đáng buồn là, người dân trồng rau, củ quả không được định đoạt giá, mà giá lại do một bộ phận nhỏ thương lái quyết định. Mặc dù giá cả trên thị trường liên tục tăng, nhưng giá mà người dân bán cho thương lái lại rất rẻ.
Chị Thanh đã phải mang rau nhà trồng từ Vĩnh Phúc ra chợ cóc Vũ Thạnh (Hà Nội) bán, vì theo chị thì bán ở nhà cho tư thương không được giá là bao. "Em nghe nói giá rau ở Hà Nội tăng vọt nên cố chở rau ở nhà từ 4 giờ sáng ra đây vừa bán buôn, vừa bán lẻ, có lãi lớn, chứ ở nhà giá rau chúng em bán chả được bao nhiêu"-chị Thanh nói. Chị Thanh so sánh: Rau cải ngọt, cải xanh bán ở ruộng chỉ được 14.000-15.000 đồng/kg, nhưng ra đây có ngày chị bán được 22.000 đồng/kg, bán buôn cũng được 17.000-18.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Mùi ở thôn 3, xã Song Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn ngày hai buổi ra ruộng chăm sóc rau. Ông trồng 6 sào cải bắp, 2 sào su hào, cà chua, đã thu hoạch 3 sào cải bắp và chuẩn bị vào giống cải bẹ. “Cải bắp đẹp giá 7.000 đồng/kg, bé 6.000 đồng/kg, su hào 3.000 đồng/củ, cải bẹ 3.000/bó, cà chua 9.000 đồng/kg. So với giá trên Hà Nội thì khác gì cho phải không chú” - ông Mùi buồn rầu.
Lợi nhuận vào túi tư thương
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông thường một bó rau, củ quả đến được với người tiêu dùng phải trải qua 3 – 4 khâu trung gian. Rau được các thương lái nhỏ thu mua tại ruộng rồi sang tay cho các chủ lớn chở lên Hà Nội tiêu thụ, chủ lớn này tiếp tục sang tay cho các quầy nhỏ lẻ rồi mới đến người tiêu dùng. Cứ như thế, qua mỗi khâu giá rau, củ quả thi nhau đội giá theo cấp số nhân, gấp hai, ba lần.
Chị Nguyễn Thị Hoa (xã Song Phương) chở một xe đầy ắp cải bắp, vừa dừng xe ở chợ rau trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội), cánh thương lái đã ùn ùn kéo đến. Nhìn cảnh này, nhiều người nghĩ chị Hoa sẽ bán được giá, nhưng quy luật này đã bị bẻ ngược. Sau một hồi thương thảo, cuối cùng chị Hoa đành chấp nhận bán cho một thương lái với giá 6.000 đồng/kg. “Không bán bây giờ có khi cuối buổi chợ chỉ còn 5.000 đồng/kg ” – chị Hoa cho hay.
Anh Lê Văn Thành (xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội) bán trăm củ su hào nhưng chỉ được hơn 300.000 nghìn đồng, bần thần: “Làm quần quật suốt hơn 3 tháng trời mới được củ su hào, đến lúc bán lại bị ép giá. Nhiều người nghĩ giá rau, củ quả trên thị trường cao như thế chắc dân làm rau trúng đậm. Nhưng giá cao chỉ “béo” cho thương lái vì người nông dân không thể vừa làm ra sản phẩm lại vừa đem bán tận tay người tiêu dùng”.
Khảo qua các chợ Đồng Xa, Nhà Xanh, Nghĩa Tân (Cầu Giấy), được biết người tiêu dùng đang phải mua với giá 12.000 đồng/kg cải bắp, 7.000 đồng một củ su hào, 20.000 – 22.000 đồng/kg cà chua… Điều này cho thấy, nguyên nhân giá rau, củ quả liên tục tăng cao (gấp 2 – 3 lần giá trị thực) là do thương lái áp đặt tự nâng giá. Khâu trung gian, hay những thương lái đang “làm mưa, làm gió”, họ tự cho mình cái quyền định đoạt giá và chèn ép nông dân, người tiêu dùng phải bán rẻ… mua đắt.
Theo Dân Việt