Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau Trung Quốc ‘tấn công’ miền Bắc
15 | 11 | 2008
Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã cạn nguồn cung rau xanh do ảnh hưởng của đợt ngập lụt, khiến giá rau lên vù vù. Ngay lập tức, một số tiểu thương tại các chợ đầu mối đang mạnh tay nhập rau Trung Quốc giá rẻ với độ an toàn bị thả nổi.

Ngày 13/11, tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), giá rau xanh đã tăng 25% - 30% so với một ngày trước đó và đắt ngang mức giá ngày đầu tiên Hà Nội bị ngập lụt. Bắp cải bán buôn tại chợ đầu mối sau một ngày đã tăng từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng một kg, bán lẻ là 12.000 đồng; cà chua tăng từ 13.000 đồng lên 16.000 đồng một kg; một bó rau muống từ 4.000 lên 6.000 - 7.000 đồng…

Số lượng, chủng loại tăng đột biến

Bà Ngọc Anh, cán bộ phụ trách mặt hàng rau quả, Ban Quản lý chợ Long Biên, cho biết, hiện nguồn rau cung ứng của miền Bắc cạn kiệt, nên tiểu thương tại các chợ lớn như Long Biên, Ngã Tư Sở đã chuyển sang buôn rau Trung Quốc. Chợ Long Biên có 433 hộ kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả. Trước đợt Hà Nội ngật lụt, chỉ có hơn 20 hộ bán rau Trung Quốc, nhưng mấy ngày nay, số hộ chuyển sang bán rau Trung Quốc đã lên tới gần 100.

Rau Trung Quốc vào chợ đầu mối này không chỉ tăng đột biến về số lượng mà cả về chủng loại. Trước đây, mỗi đêm chỉ ba xe tải trọng 1,5 - 2 tấn chở rau Trung Quốc và phải trả hàng đến 7, 8 giờ sáng mới hết. Nhưng hiện số lượng xe về mỗi ngày gấp 2, 3 lần mà các tiểu thương vẫn tranh mua.

Một số tiểu thương tại chợ rau đêm của Hà Nội như Mai Dịch, Mai Động cho biết, trước đây chỉ dám nhập các loại củ, quả có thể bảo quản dài ngày của Trung Quốc như: cà rốt, cà chua, củ cải …thì nay sẵn sàng mua cả bắp cải, súp lơ Trung Quốc mà vẫn không đủ cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn, chợ cóc.

Chất lượng bị thả nổi

Một cán bộ phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Hà Nội cho rằng việc nhập rau nói trên là bình thường. Ông này lý giải, ở miền Bắc, nguồn rau xanh khan hiếm, lượng rau cung ứng từ Sapa, Đà Lạt cho các tỉnh phía Bắc không nhiều. Nếu không nhập rau thì không chỉ Hà Nội mà cả miền Bắc khó lòng chống chọi với “cơn đói” rau xanh, dự kiến kéo dài ít nhất 15- 20 ngày nữa, trước khi những giống rau ngắn ngày gieo trồng sau đợt ngập lụt, như cải thảo, cải ngọt có thể thu hoạch.

Thậm chí, nếu không nhờ một phần vào lượng rau nhập, người dân còn phải mua rau xanh với giá đắt hơn hiện nay gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, chưa ai dám chắc về độ an toàn của rau quả Trung Quốc khi chưa có cơ quan nào đứng ra kiểm soát. Bà Ngọc Anh thừa nhận: “Không một tiểu thương nào tại chợ đầu mối này biết được rau quả mình bán an toàn đến đâu”.

Một cán bộ của Ban chỉ đạo 127 trung ương than, rau là mặt hàng không thể bảo quản lâu nên Hải quan cửa khẩu cũng không thể kéo dài thời gian kiểm tra. Còn kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải nhờ ngành Y tế. Trong khi, một cán bộ của Bộ Y tế cho biết cơ quan này quá nhiều việc nên rau xanh chưa phải là mặt hàng ưu tiên kiểm tra chất lượng.

Ông Đinh Văn Thảo, Trạm trưởng Bảo vệ thực vật Đông Anh, Hà Nội, cho biết khoảng 10 ngày nữa rau xanh sẽ còn khan hiếm, giá đắt gấp đôi hiện tại. Các huyện Gia Lâm, Đông Anh đã hết rau. Trận mưa vừa qua, huyện Đông Anh có 2.200 ha rau thì 2.000 ha đã hỏng hẳn do ngập úng



Nguồn: tintuc
Báo cáo phân tích thị trường