Nghịch lýVN hiện có đến trên 1,4 triệu hécta rau quả và mỗi năm cho thu hoạch 6,5 triệu tấn trái cây, 9,6 triệu tấn rau với tiềm năng rất lớn về xuất khẩu. Dù có hẳn một chương trình phát triển rau quả, hoa cây cảnh giai đoạn 1999-2010, với mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ USD rau quả vào năm 2010, song do thực trạng sản xuất và tiêu thụ rau quả quy mô nhỏ lẻ, thủ công trong cả thu hoạch, chế biến và tiêu thụ, kim ngạch xuất khẩu năm 2006 mới đạt 260 triệu USD.
Bộ NN&PTNT đánh giá, một thực tế là hầu hết các địa phương đều chưa có quy hoạch cụ thể tạo thuận lợi cho việc dồn đất, lập trang trại nhằm tạo ra những vùng sản xuất lớn, tập trung, chuyên canh cho rau quả với sản lượng lớn và ổn định phục vụ xuất khẩu. Trong lúc đó nông dân vẫn sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm, phương pháp truyền thống và dựa vào khai thác lợi thế tự nhiên, theo mùa vụ.
Điều này lí giải vào thời kỳ cao điểm của mùa vụ (mùa đông với rau, mùa hè với quả), lượng hàng hoá tập trung quá cao, không tiêu thụ nhanh dẫn đến thua lỗ nặng song trái vụ lại hầu như không có sản phẩm. Quy mô sản xuất hộ gia đình 300-1.000m2 khiến cho sản lượng hàng hoá không nhiều và ổn định.
Một thực tế khác là tại VN hầu như chưa có đơn vị nào tổ chức kinh doanh sản xuất và xuất khẩu rau quả bài bản, chính quy theo các quy trình tiên tiến từ canh tác đến thu hái, chọn lựa, phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho bảo quản lạnh, dưỡng sinh, vận chuyển, giao hàng đến tay khách hàng.
Bên cạnh đó theo nhiều chuyên gia, do công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, tổ chức thực hiện bất cập nên nhiều quy hoạch diện tích trồng rau quả trở thành quy hoạch treo. Hàng loạt nhà máy hoạt động dưới công suất trong lúc nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu hoặc nguyên liệu không đảm bảo các yêu cầu và chất lượng cho chế biến xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - ông Diệp Kỉnh Tần, các nhà máy chế biến trong nước hiện nay dù chỉ có công suất 313 nghìn tấn/năm song do khó khăn về nguyên liệu, phải đến năm 2010 công suất của các nhà máy này mới đạt 50-60% so với thiết kế. Công suất của các nhà máy này quá nhỏ bé khi mà mỗi năm VN thu hoạch tới hơn 16 triệu tấn rau quả.
Dồn sức cho xuất khẩu
Đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu là đầu ra quan trọng cho sản phẩm rau quả trong nước. Trước hết, theo nhiều chuyên gia, cần có một quy hoạch tổng thể các vùng chuyên canh đảm bảo chất lượng và đáp ứng đơn đặt hàng số lượng lớn.
Để đạt mục tiêu tới năm 2010 VN có 550 nghìn hécta rau, 750 nghìn hécta vườn cây ăn quả cho sản lượng 11 triệu tấn rau và 9 triệu tấn trái cây, cần rà soát ngay và quy hoạch các vùng có lợi thế về trồng rau, quả tập trung.
Tập trung trồng rau tại các tỉnh Bắc Bộ, Đà Lạt và triển mạnh cây ăn quả ở các tỉnh ĐBSCL, trung du Bắc Bộ và một số vùng bán sơn địa thuộc miền Trung và Đông Nam Bộ nhằm giải quyết một cách có hiệu quả vấn đề nguyên liệu.
Bên cạnh đó đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến công suất 10-50 nghìn tấn/năm đối với các vùng sản xuất lớn. Phát triển các nhà máy công suất nhỏ 1.000 - 2.000 tấn/năm với chủ yếu thiết bị chế tạo trong nước song tránh tình trạng đầu tư ồ ạt hoặc thiếu đồng bộ giữa nhà máy và vùng nguyên liệu. Đồng thời đa dạng hoá các sản phẩm chế biến như bột quả, nước quả cô đặc, quả ngâm đường, sấy khô, mứt quả.
Mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần ký quyết định yêu cầu duy trì năng lực chế biến rau, quả ở mức 313 nghìn tấn/năm nhằm tập trung đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu chủ động cung cấp cho các nhà máy chế biến sẵn có. Hạn chế xây dựng thêm các nhà máy chế biến mới và nhằm đảm bảo cho các nhà máy chế chiến đạt 50-60% công suất thiết kế.
Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, VN sẽ chỉ tập trung phát triển cây ăn quả ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và giảm diện tích cây ăn quả ở các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ. Rau và cây gia vị sẽ được trồng chủ yếu trồng ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Một diện tích đáng kể sẽ được dành cho cây rau an toàn và rau công nghệ cao tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Lâm Đồng.