Kim ngạch nhập khẩu rau giảm mạnh là do chịu ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài trong thời gian qua; đồng thời chịu ảnh hưởng của dịch bệnh gia tăng khiến năng suất thấp.
Mặc dù vậy, kim ngạch nhập khẩu rau 11 tháng đầu năm vẫn tăng. Tổng kim ngạch nhập khẩu rau 11 tháng đạt 19,8 triệu USD tăng 8,1% so năm trước. Ước tính tháng 12/09 tới, kim ngạch nhập khẩu rau sẽ đạt khoảng 2,1 triệu USD, nâng tổng kim ngạch cả năm đạt gần 22 triệu USD, tăng khoảng 10% so cả năm 2008.
Hiện nay, nhờ thực hiện tốt chủ trương chính sách của Nhà nước tập trung quy hoạch và nhân rộng các vùng chuyên canh trồng rau trên cả nước khiến cho diện tích trồng rau không ngừng được mở rộng. Theo đó, chủng loại rau xanh cũng rất phong phú và đa dạng. Hơn nữa, đây đang là thời điểm thích hợp cho trồng cây vụ đông (do điều kiện tự nhiên thuận lợi) trên diện rộng nên lượng rau trong nước phần nào cũng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do đó, lượng và kim ngạch rau nhập khẩu trong những tháng này thường thấp. Duy chỉ có vào tháng giáp Tết kim ngạch nhập khẩu rau sẽ tăng nhưng tăng không cao.
Chủng loại nhập khẩu:
Chủng loại nhập khẩu 11 tháng năm 2009 so với cùng kỳ năm trước bị thu hẹp lại còn khoảng hơn 30 loại rau. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu tăng hơn so với năm trước chứng tỏ hoạt động nhập khẩu đang hướng vào các mặt hàng trọng điểm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cơ cấu chủng loại mặt hàng nhập khẩu dường như không có sự thay đổi. Chủng loại có kim ngạch nhập khẩu cao vẫn là nấm, cà chua, ngô, cải, đậu hà lan, măng các loại,…. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu rau diếp tươi đạt tốc độ tăng trưởng rất cao, đạt 290,1 nghìn USD tăng 32 lần so cùng kỳ. Loại rau này được nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc.
Trong năm 2009, rau gia vị rất được ưa chuộng tại thị trường trong nước. Hơn nữa, do mưa lũ kéo dài trong thời gian qua khiến diện tích lớn trồng rau bị hỏng, cung không đủ cầu. Ngoài rau diếp, rau mùi cũng có tốc độ tăng trưởng khá đạt 24,5 nghìn USD tăng 10 lần so cùng kỳ. Với diễn biến thất thường của thời tiết như hiện nay, nguồn cung rau trong nước giảm sút sẽ tạo điều kiện cho nhập khẩu rau gia vị tăng nhanh, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết cuối năm.
Cần tây là loại rau giảm nhanh nhất về kim ngạch nhập khẩu. Thống kê 11 tháng cho thấy, kim ngạch nhập khẩu cần tây đạt 5,8 nghìn USD giảm 86,3% so cùng kỳ. Đặc thù của loại rau này là trồng là trồng ở ao, ruộng hay những vùng trũng có độ ẩm cao vì thế rất dễ bị ngập úng khi mưa bão nhiều. Kim ngạch nhập khẩu cần tây giảm mạnh trong thời gian qua cũng phần lớn là do ảnh hưởng của thiên tai. Hiện Trung Quốc là nguồn cung cần tây lớn nhất của Việt Nam, đơn giá dao động từ 99,17 USD đến 100 USD/tấn (Thanh Thủy, DAF).
Thị trường nhập khẩu:
Trong vòng 11 tháng qua, nguồn cung rau cho thị trường Việt Nam không ngừng được tăng lên. Thống kê cho thấy có 24 nguồn cung rau, tăng 5 nguồn cung so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, chủng loại rau ngày càng phong phú và đa dạng do đó các doanh nghiệp cũng không ngừng mở rộng nguồn cung tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng.
Các thị trường cung cấp nhiều rau nhất trong vòng 11 tháng qua vẫn chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, NewZealand,… Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 3 thị trường là Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan có tốc độ tăng trưởng cao. Có tới hơn 1/3 nguồn cung có sự suy giảm so cùng kỳ năm trước. Qua đây cho thấy mặc dù thị trường được mở rộng song hoạt động nhập khẩu rau vẫn chủ yếu tập trung ở một số thị trường chính.
Đáng chú ý 11 tháng năm 2009, nhập khẩu từ Đức và Malayxia đạt mức tăng trưởng rất cao, đạt lần lượt 25,4 nghìn USD và 102,1 nghìn USD, tăng gần 50 lần và hơn 14 lần. Hiện nay, kim ngạch nhập khẩu của Đức và Malayxia chưa thực sự đạt cao nhưng đây sẽ là những thị trường tiềm năng để các nhà nhập khẩu khai thác các sản phẩm rau xanh các loại. Dự báo trong tháng 12/09 tới, kim ngạch nhập khẩu rau hoa quả sang những thị trường này sẽ tiếp tục tăng khá.
Cơ cấu thị trường nhập khẩu rau các loại 11 tháng năm 2009 khá ổn định. Trung Quốc vẫn là nguồn cung rau nhiều nhất cho thị trường Việt Nam với kim ngạch đạt 14,2 triệu USD chiếm tới 71,6%, tăng 20,7% so cùng kỳ năm 2008. Nấm, cà chua, bắp cải, cải thảo, đậu Hà Lan,… là những mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc. Một điều đáng chú ý là những mặt hàng như nấm, cà chua, bắp cải nguồn cung trong nước cũng khá dồi dào cho thấy sức tiêu thụ là rất lớn. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng lớn như nấm đạt 6,9 triệu USD, cà chua đạt 1,8 triệu USD, cải các loại đạt 1,7 triệu USD, đậu Hà Lan đạt 1,1 triệu USD,…
Tiếp đến là Mỹ với kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đạt 2,4 triệu USD tăng 36,7% so với cùng kỳ. Chủng loại rau nhập khẩu từ thị trường này khá đa dạng, nhiều nhất tập trung vào cà chua chế biến như cà chua cô đặc, cà chua dạng sệt, đậu Hà Lan đông lạnh, ngô hạt chưa xát vỏ, ngô bắp đông lạnh.
Thái lan với kim ngạch nhập khẩu đạt 1,4 triệu USD, tăng nhiều nhất trong 3 thị trường trọng điểm đạt 240,7% so cùng kỳ năm trước. Ngoài rau, Thái Lan còn là thị trường cung cấp rất nhiều hoa và trái cây cho Việt Nam. Trong tương lai, đây sẽ vẫn là nguồn cung dồi dào và tiếp tục tăng trưởng cao.
Thời gian qua, nhập khẩu rau từ Inđônêxia và Ôxtrâylia liên tục giảm. Kim ngạch nhập khẩu đạt thấp với lần lượt chỉ 768 USD và 2,4 nghìn USD chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu nguồn. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu của Inđônêxia giảm 99,2% và Ôxtrâylia giảm 92,6%. Hiện nay, mặt hàng được nhập khẩu chủ yếu từ Inđônêxia là bột ớt, đơn giá 6,4 USD/kg (cảng Hải Phòng, CIF).