Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các nhà máy chế biến rau, củ, trái cây chỉ đạt 50% công suất
19 | 11 | 2010
ĐBSCL mỗi năm sản xuất khoảng 2,9 triệu tấn trái cây, chiếm gần 42% sản lượng trái cây của cả nước và đây là nguồn sống chính của gần 2 triệu hộ nông dân.

Hiện tại, cả nước có 60 nhà máy chế biến rau, củ, trái cây các loại với công suất 313.000 tấn/năm nhưng thực tế các nhà máy này chỉ hoạt động với 50% công suất thiết kế, và nhiều nhà máy có nguy cơ phải đóng cửa trong thời gian tới.

Ông Đới Xuân Quảng, Cục phó Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết như vậy tại hội thảo Chuỗi cung ứng trái cây Việt Nam do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TPHCM ngày 18-11.

Nguyên nhân, theo ông Quảng là vì việc thu hái và bảo quản sau thu hoạch của người nông dân chủ yếu là thủ công nên tổn thất sau thu hoạch lên đến 25%, do đó, các nhà mày không dám mua trái cây về chế biến vì giá thành bán ra cao, không cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Ngoài lý do về thất thu sau thu hoạch lớn thì diện tích trồng cây ăn quả thu hẹp sau mỗi năm cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công suất hoạt động của các nhà máy chế biến, đặc biệt là tại các tỉnh thuộc ĐBSCL.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm quy hoạch nông nghiệp cho biết, ĐBSCL mỗi năm sản xuất khoảng 2,9 triệu tấn trái cây, chiếm gần 42% sản lượng trái cây của cả nước và đây là nguồn sống chính của gần 2 triệu hộ nông dân.

“Hiện trung bình 1 nông hộ trồng cây ăn trái tại ĐBSCL có diện tích vườn 0,69 héc ta, nhưng hơn 91,5% nông hộ cho trồng nhiều loại loại cây trong cùng một vườn, vì vậy, dễ hiểu tại sao các nhà máy không thu mua đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trái cây” ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết thêm, trong thời gian tới quỹ đất tại các thành phố Cần Thơ, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), thành phố Trà Vinh (Trà Vinh), thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), thành phố Vĩnh Long (Vĩnh Long) một số lớn diện tích trồng cây ăn trái sẽ chuyển sang đất phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đất trồng cây ăn trái các huyện ven biển của Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang sẽ bị xâm nhập mặn nên diện tích trồng cây ăn trái của ĐBSCL tiếp tục bị thu hẹp nên nhiều nhà máy chế biến trái cây đóng tại ĐBSCL sẽ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu chế biến.



Theo TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường