Vốn đầu tư nước ngoài tăng gần 70%
Sau gần 1 năm gia nhập WTO, theo báo cáo của Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch-Đầu tư, tính đến hết tháng 11-2007, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt trên 15 tỷ USD so với mức hơn 10,5 tỷ USD của cả năm 2006. Dự kiến đến hết năm 2007, tổng vốn đầu tư nước ngoài có thể đạt xấp xỉ 18 tỷ USD. Nhiều dự án có quy mô lớn, trị giá trên dưới 1 tỷ USD được các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư vào Việt Nam, điển hình tại các địa phương như TPHCM , TP Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hậu Giang… Cộng đồng các nhà tài trợ vừa qua đã cam kết cung cấp tín dụng 5,4 tỷ USD trong năm 2008.
Về xuất khẩu, Việt Nam tăng trên 20% so với năm 2006, trong đó có sự thay đổi cơ cấu: giảm tỷ lệ xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo. Đối với một số mặt hàng nhập khẩu quan trọng có kim ngạch nhập khẩu cao, ta còn chủ động cắt giảm thuế xuống thấp hơn mức cam kết trong WTO, chẳng hạn như thuế nhập khẩu ô tô được giảm thêm 20% so với cam kết, thuế nhập khẩu sữa, các loại thịt cũng được giảm thấp hơn mức cam kết. Theo đánh giá của Diễn đàn Thương mại Liên hiệp quốc, Việt Nam đã vươn lên thành một trong 10 nền kinh tế có triển vọng thu hút đầu tư nhất trên thế giới.
Cần một “máy chém” cho thủ tục hành chính rườm rà
Tuy nhiên, sau 1 năm gia nhập sân chơi toàn cầu, thủ tục hành chính tại Việt Nam vẫn còn quá rườm rà, nhiều cơ chế, chính sách đi ngược xu hướng chung của thế giới. Đại biểu (ĐB) Trần Đông A (TPHCM) nói: “Ta đặt mục tiêu cải cách hành chính nhiều năm nay nhưng vẫn chưa chuyển biến. Trung Quốc mất gần 5 năm để rà soát, đốt cháy gần 500.000 văn bản hành chính không phù hợp với xu thế chung để hội nhập, còn ta thì sao? Cần phải có một “máy chém” để chặt đứt các thủ tục hành chính “trói chân” nhà đầu tư và ngăn cản quá trình hội nhập. Quốc hội nên có một ủy ban rà soát, quyết định loại bỏ cực nhanh những thủ tục rườm rà của các bộ, ngành”.
Đồng ý với ý kiến đó, ĐB Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TPHCM dẫn chứng: “Có những luật rất “vênh” với thực tế mà Quốc hội không sửa. Chẳng hạn như Luật Nhà ở quy định nhà ở xã hội không được xây quá 6 tầng. Như vậy làm sao thu hút nhà đầu tư. Chẳng lẽ cho họ xây 18 tầng rồi trừ 6 tầng làm nhà ở xã hội, các tầng còn lại đem kinh doanh? Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu cũng còn nhiều bất cập. Công trình cầu Thủ Thiêm vừa rồi, nếu TPHCM không mạnh dạn xin cơ chế đặc biệt được chỉ định nhà thầu thì chắc chắn tiến độ sẽ rất chậm.” Nhiều văn bản quy định các điều kiện cụ thể trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện, cũng như điều kiện của các dự án đầu tư để làm căn cứ thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa được ban hành gây lúng túng cho nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý đầu tư. Nhiều quy định chưa được hướng dẫn hoặc sửa đổi phù hợp đã làm giảm tiến độ tiếp nhận và triển khai dự án.
Vấn đề chảy máu chất xám cũng được đặt ra. Một năm sau hội nhập, lượng cán bộ nhà nước bỏ việc ra ngoài làm đang tăng cao. ĐB Phạm Phương Thảo bức xúc: “Sở ngành nào cũng có cán bộ bỏ việc. Cả đến phó giám đốc sở cũng xin nghỉ. Chính sách tiền lương của ta còn rất lạc hậu. TPHCM tự tháo gỡ bằng cách áp dụng chế độ khoán kinh phí thì cũng chỉ có thể trả lương cho cán bộ cao lắm là 3 triệu đồng/tháng. Trả cao hơn là bị “thổi còi”. Thêm vào đó, cơ chế hiện hành không cho phép lãnh đạo sở, ngành được quyền chủ động chọn người tài, sa thải người dở. Cơ chế chính sách như vậy khó mà giữ chân được cán bộ giỏi, làm sao đủ lực để đưa TP, đất nước bắt kịp nhịp độ hội nhập?
Nông dân: Mất nhiều hơn được?
Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu cho biết: “Sau khi gia nhập WTO, giá nông sản của VN đã tăng lên. Giá gạo xuất khẩu đã tăng bằng Thái Lan. Đó là điều đáng mừng”. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Lân Dũng dẫn chứng: “Một năm qua, giá nông sản tăng nhưng giá vật tư nông nghiệp, giá sinh hoạt lại tăng cao hơn làm cho đời sống của nông dân ngày càng khó khăn. Cả nước chỉ có 2 công ty TNHH là Vinamit và Vinaga thu mua mít và gấc để chế biến xuất khẩu, còn các loại khác thì chịu chết. Nông dân Hà Nội trồng được cây đu đủ lai Hồng Phi rất ngon nhưng nếu trồng nhiều thì chẳng biết bán cho ai. Chẳng lẽ phải chờ một công ty… Vinadu ra đời thì bà con mới hết khổ? Trong khi đó, hàng loạt nông sản chế biến từ nhiều nước khác đã ồ ạt xuất hiện khiến nông dân ta thua ngay trên sân nhà”.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm UBĐN QH Nguyễn Văn Son cho rằng: Trong thời gian tới, khi hội nhập sâu hơn vào sân chơi WTO, cả mặt thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên. Điều cần thiết phải có sự biến đổi về chất, trong đó, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phải nhanh chóng chuyển biến theo hướng đơn giản hóa và được đầu tư thích đáng. Thời gian tới, UBĐN QH sẽ giám sát chặt hơn việc thực hiện những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, nhất là về thủ tục hành chính, thúc đẩy sự điều chỉnh trong chính sách hỗ trợ nông nghiệp và nông dân thông qua đầu tư về cây, con giống, cơ sở chế biến, hệ thống thủy lợi.