Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sở hữu ruộng đất, vấn đề lớn cần giải quyết
30 | 07 | 2008
Để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhiều ý kiến cho rằng, cần quan tâm đến việc sở hữu ruộng đất. Thời gian qua, tình trạng sở hữu ruộng đất không rõ ràng dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó khiếu kiện liên quan đến đất đai ngày càng gia tăng. Làm sao để người nông dân được sở hữu đất, ruộng?
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bức xúc khi nhận xét: “Cho đến nay, nhiều chính sách về nông nghiệp xa rời thực tế hoặc chỉ mang tính thăm dò, thử nghiệm. Trong khi đó, có những việc cần quan tâm đúng mức thì lại bị thờ ơ, trong đó có vấn đề sở hữu đất đai. Về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đố ai tìm thấy hộ dân nào có cái nhà kho. Chính vì thế, họ thường bán lúa tươi ngay sau khi thu hoạch. Nông dân đã quen với sản xuất lúa hàng hóa nhưng do ruộng đất ít nên sản lượng lúa làm ra chẳng đáng để họ đầu tư phơi sấy, bảo quản. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chưa có sự tích tụ đất đai”.

Theo ông Nhị, có một thực tế đang diễn ra ở ĐBSCL là hơn 1/2 chủ đất chỉ có 5.000-7.000m2 đất nông nghiệp. Điều này dẫn đến sản xuất thiếu tính cạnh tranh, năng suất, chất lượng thấp. TS.Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II, phân tích, để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, chúng ta cần xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn hiện đại có tính đa chức năng. Và để làm được điều này, không thể không cho nông dân tích tụ ruộng đất. ông Khải nói thêm: “Lâu nay, chúng ta cứ lo quá trình tích tụ ruộng đất sẽ khiến nhiều nông dân bị mất đất, không có việc làm. Trong khi đó, chính việc thu hồi đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp, sân gôn ở nhiều vùng nông thôn đã khiến nông dân thất nghiệp”.

GS. Đào Công Tiễn cho rằng, Nhà nước cần phải trao đầy đủ quyền sử dụng đất cho nông dân đang sở hữu ruộng đất. Đất đai phải trở thành sản phẩm trao đổi trên thị trường, hoàn toàn tuân theo quy luật của thị trường. Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, để giải quyết vấn đề tam nông hiện nay, không thể né tránh vấn đề đất đai. “Cần phải thị trường hoá đất đai. Người nông dân phải có quyền quyết định trong việc có bán đất của mình cho một dự án nào đó hay không”, ông Hoàng nói.

Khái niệm “hạn điền” đã và đang kìm hãm quá trình tích tụ ruộng đất, hướng đến sản xuất hàng hoá; chủ trương xây dựng nông thôn mới chỉ dừng lại ở khái niệm chung chung chứ chưa có hiệu quả thực tế. Có một điều mâu thuẫn trong chính sách hiện nay là những lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ được thuê sử dụng đất trong thời gian rất dài, 50-70 năm, nhưng nông dân chỉ được thuê trong vài năm nên không yên tâm đầu tư sản xuất lớn. Anh Đỗ Năng Công, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ nông sản an toàn Hà An (Long Biên - Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện dự án sản xuất rau an toàn thương hiệu Hà An trên cơ sở phối hợp với nông dân theo hình thức góp cổ phần (công lao động hoặc đất), nông dân sẽ được hưởng lợi theo đúng những gì mình bỏ ra. Tuy nhiên, mô hình này mới chỉ dừng lại ở 5ha rau trên địa bàn quận Long Biên trong thời gian… 2 năm. Công ty rất muốn thuê đất lâu dài, thậm chí vài chục năm để xây dựng khu sản xuất, sơ chế rau an toàn nhưng do chính sách hạn điền còn bất cập nên rất khó triển khai”.

Anh hùng Lao động Nguyễn Đắc Hải ở xã Chuyên Mỹ A (Phú Xuyên - Hà Tây), cho biết: “Quê tôi đã thực hiện dồn điền đổi thửa từ năm 1986, nghề phụ phát triển nhưng đến nay, có tới hơn 2.000/5.000 lao động bỏ quê ra thành phố kiếm việc làm. Trong khi nhiều bà con chán ruộng, bỏ ruộng do sản xuất không có lãi, một số người đã dồn đổi đất ruộng để làm trang trại VAC tổng hợp. Đến nay, toàn xã đã có 47 hộ làm kinh tế trang trại với 130ha đất được chuyển đổi, hộ ít nhất có 3-5ha, nhiều nhất khoảng 10-30ha”. Cũng theo anh Hải, đất tập trung được chủ yếu nhờ nguồn đất công đấu thầu trong 5 năm, đất thuê trong 10 năm từ những hộ không sử dụng nữa. Thời gian sử dụng ngắn, trong khi ngân hàng xiết vốn, chỉ cho vay 70% vốn so với diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đường giao thông nội đồng và điện sử dụng chưa được quy hoạch nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, do chính sách chưa rõ ràng nên nhiều hộ có đủ tiềm lực nhưng không dám đầu tư. Ngay bản thân anh Hải cũng chỉ dành khoảng 50% thời gian và tâm trí cho việc kinh doanh, 50% còn lại để dành cho... “dân vận”, bởi nếu không được lòng bà con, chính quyền thôn, xã thì không thể thuyết phục họ giao đất cho anh trong những năm tiếp theo.

Trong tương lai, việc tích tụ ruộng đất để tạo ra vùng sản xuất rộng lớn và chuyên biệt hơn là yêu cầu cấp thiết để phát triển nông nghiệp. Nông dân phải được sử dụng đất ít nhất trong thời gian 50 năm mới có thể giúp họ yên tâm sản xuất. Nếu đất đai được tập trung lại để tận dụng lợi thế về quy mô sẽ thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản.

Từ thực tiễn sản xuất, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc tư duy “người cày có ruộng” và “hạn điền” cần phải thích nghi trong điều kiện mới. Ruộng đất được tích tụ sẽ khuyến khích các nhà đầu tư áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các nhà đầu tư nông nghiệp có thể trở thành “địa chủ” nhưng “địa chủ” trong bối cảnh đó sẽ mang một nội hàm khác hẳn với những định kiến trong quá khứ. Một khi các nhà đầu tư nông nghiệp có thể tích tụ ruộng đất ở quy mô thích hợp, đóng góp của họ sẽ không chỉ làm thay đổi cung cách sản xuất manh mún mà còn tạo ra những đổi mới thật sự ở nông thôn.



Nguồn: www.kinhtenongthon.com
Báo cáo phân tích thị trường