Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hỗ trợ người nghèo do biến động giá
31 | 07 | 2008
Trước tình hình giá xăng dầu và lương thực - thực phẩm liên tục tăng cao, nhiều nước trên thế giới đã triển khai những biện pháp "nóng" kiềm chế giá cả, hỗ trợ người dân, nhất là những người nghèo, khắc phục khó khăn
Theo số liệu thống kê của LHQ và Bộ Nông nghiệp nhiều nước, giá lương thực và dầu biến động trong vòng một năm qua đã gây nhiều khó khăn cho đời sống kinh tế, xã hội của các nước, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ít nhất thêm 133 triệu người trên thế giới "lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực". Năm 2007, tại 70 nước đang phát triển (ÐPT) số người nghèo tăng lên 982 triệu người so với 849 triệu người một năm trước đó. Dự báo số người phải chật vật kiếm lương thực có thể tăng tới 1,2 tỷ người vào năm 2017; trong thập niên tới, sự phát triển chậm lại của nền kinh tế thế giới được cho là sẽ kết hợp với giá lương thực và nhiên liệu tăng sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, ảnh hưởng rất tiêu cực đến các nước ÐPT vốn đã chịu tình cảnh đáng buồn trên. Các nghiên cứu chỉ rõ, các nước nghèo là đối tượng đặc biệt dễ bị tác động bởi giá lương thực leo thang do chi phí cho lương thực chiếm quá nửa, thậm chí tại nhiều nước còn lớn hơn ngân sách của các hộ gia đình.


Nhiều nước đã triển khai những biện pháp "nóng" kiềm chế giá cả, hỗ trợ người dân, nhất là những người nghèo, khắc phục khó khăn.


Chính phủ Indonesia nêu ưu tiên số một là bảo đảm công bằng cho mọi người dân, nhấn mạnh việc kiềm chế lạm phát sau tăng giá nhiên liệu là yếu tố cần thiết để ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng giá cả phải nằm trong khả năng tiêu dùng của người dân, nhất là không gây thêm khó khăn cho người có thu nhập thấp.


Chính phủ Malaysia thực hiện hàng loạt biện pháp giảm tải gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng. Cục Phúc lợi xã hội rà soát số người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, gồm người tàn tật có mức thu nhập dưới 300 USD/tháng, người trên 60 tuổi, các bà mẹ góa phải nuôi con nhỏ có thu nhập khoảng 200 USD/tháng để phát trợ cấp sau một tháng họ đăng ký xin trợ cấp; miễn học phí, cấp đồng phục, bữa ăn tại trường cho trẻ em. Bộ Y tế cấp phát thực phẩm cho trẻ suy dinh dưỡng. Bộ Nhà ở và Chính quyền địa phương tạm ứng tiền thuê nhà, cấp phương tiện chuyên chở học sinh. Bộ Phát triển nông thôn hỗ trợ lương thực và nhà ở. Bộ Tài chính phối hợp các ngân hàng kéo dài thời hạn cho vay đối với người có thu nhập thấp mua nhà ở theo phương thức trả góp. Bộ Thương mại áp dụng từ ngày 27-7, tất cả lái xe taxi mỗi tháng được mua 720 lít xăng /1 đầu xe với giá ưu đãi 1,92 ringgit (RM)/lít (3,25RM ăn 1USD) so với giá thị trường 2,7RM/lít giúp họ tăng thu nhập.


Chính phủ Thái-lan (ngày 15-7) công bố Kế hoạch kích thích kinh tế cả gói 1,4 tỷ USD giúp người thu nhập thấp giảm gánh nặng kinh tế. Trong gói sáu biện pháp đáng chú ý là biện pháp giảm thuế nhiên liệu, miễn hoặc giảm tiền điện, nước sinh hoạt cho người có thu nhập thấp. Theo đó, từ ngày 25-7 giảm thuế đối với xăng pha cồn ethanol, khí đốt và dầu diesel; trợ giá toàn bộ cho người sử dụng nước dưới


50 m3/tháng; trợ giá toàn bộ cho người sử dụng điện không quá 80 số/tháng và trợ giá 50% cho người sử dụng từ 81-150 số/tháng; chi trả toàn bộ vé cho khách đi xe buýt không có điều hòa nhiệt độ trong TP Băng-cốc và hoàn trả toàn bộ vé tàu hạng ba cho các tuyến trên toàn quốc.


Chính phủ Cuba, ban hành quy định cho phép tư nhân tham gia kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, theo đó hàng nghìn chủ phương tiện ô-tô hành nghề taxi tư nhân sẽ ăn lương Nhà nước, được cấp xăng miễn phí để chở khách trên những tuyến đường nhất định với mức giá do Nhà nước ấn định. Ðể khuyến khích nông dân sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập, giúp Nhà nước tăng sản lượng lương thực, thực phẩm và giảm nhập khẩu, Chính phủ tăng giá mua thịt và sản phẩm sữa, cho phép người dân tự do tiêu thụ sản phẩm của mình, mua hạt giống, nông cụ, phân bón tại các cửa hàng bán lẻ trên cả nước...


Chia sẻ số phận hẩm hiu với khu vực nông nghiệp, nông thôn là khu vực ngư nghiệp. FAO cho biết, hải sản cung cấp 20% lượng protein thức ăn cho hơn 2,8 tỷ người và hầu hết là ở các nước ÐPT. Khoảng 42 triệu người làm việc trực tiếp trong ngành đánh bắt hải sản, phần lớn ở các nước ÐPT. Nếu tính cả những người chế biến thực phẩm, tiếp thị và phân phối thì lực lượng lao động của khu vực ngư nghiệp lên tới hàng trăm triệu người. Biến đổi khí hậu tác động các đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống hàng trăm triệu người sống nhờ đánh bắt hải sản.


Gánh nặng kinh tế của cư dân này tăng tỷ lệ thuận với đà tăng của giá nhiên liệu, lương thực. Ủy ban châu Âu (EC) tính rằng, giá nhiên liệu tăng vọt, tới 240% kể từ năm 2002 khiến hàng trăm nghìn tàu đánh cá phải "đắp chăn" trong khi nhiều tàu hết hạn sử dụng, nguồn cá ngoài khơi cạn dần. Ngư dân Nhật Bản, nhiều nước châu Á, châu Âu và Mỹ biểu tình đòi cải thiện tình hình.


Chính phủ nhiều nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ khu vực ngư nghiệp, tập trung cải thiện đời sống ngư dân nghèo. Giữa tháng 7 vừa qua, các Bộ trưởng Ngư nghiệp EU thông qua khoản hỗ trợ khẩn cấp cả gói 2 tỷ euro (trích từ ngân sách 4,3 tỷ euro dành cho khu vực ngư nghiệp EU giai đoạn 2007-2013). EU cũng thông qua đề xuất của Pháp và Italia cho phép các Chính phủ trong Liên hiệp tăng khoản hỗ trợ mỗi chuyến ra khơi từ 30.000 euro hiện nay lên 100.000 euro trong ba năm. EC nêu rõ hỗ trợ khẩn cấp ngành ngư nghiệp là nhằm khắc phục tình trạng đánh bắt quá mức, tăng sản lượng hải sản, giúp ngư dân nghèo giảm bớt phụ thuộc nhiên liệu, tăng thu nhập. EC nêu rõ đó là cách duy nhất để tạo tương lai lâu bền cho ngành công nghiệp đánh bắt hải sản của EU.



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường