Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có thể làm ngay kích cầu nông nghiệp
03 | 04 | 2009
Kích thích sản xuất, tiêu dùng ở vùng nông thôn, nơi gần 70% dân Việt Nam sinh sống, nơi có nhiều người nghèo và thu nhập thấp, là biện pháp kích cầu rất tốt, lẽ ra phải làm ngay từ khi có chủ trương kích cầu, nay mới tính, là khá muộn

Nhưng muộn còn hơn không, vì nền kinh tế khó khả năng phục hồi trong sáu đến bảy tháng tới, tức là kích cầu vẫn còn có ý nghĩa, song do là việc khẩn, nhất thời, nên phải làm rất nhanh. Còn cứ tính toán, duyệt lên duyệt xuống, mất vài tháng nữa, và việc thực hiện cũng kéo năm ba tháng, thì kích cầu kiểu này không có ý nghĩa, không có hiệu quả.

Cần phải quyết định nhanh các giải pháp mà các nhà chức trách đang dự kiến (điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất; hỗ trợ mua máy móc vật tư khoảng 39.500 tỉ đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn 4.000 tỉ đồng; mua nông sản dự trữ xuất khẩu,…). Nên thực hiện những biện pháp đơn giản, có thể làm ngay, có tác động ngay (nếu cải thiện được cơ cấu, hay tạo cơ sở cho phát triển dài hạn thì càng tốt, song những mục tiêu dài hạn này, không phải là mục tiêu chủ yếu của kích cầu). Điều chỉnh cơ cấu sản xuất là mục tiêu dài hạn, chưa chắc đã hợp với kích cầu.

Theo tôi, hai việc đơn giản có thể làm ngay là: cải thiện hạ tầng cơ sở nông thôn; tài trợ tiền cho nông dân.

Nếu Nhà nước tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn (làm đường, trường học, bệnh xá, nâng cấp các công trình thuỷ lợi, sửa chữa đê điều, nâng cấp hệ thống điện,…) vừa tạo công ăn việc làm, và tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn, vừa tạo điều kiện cho bước phát triển mới trong tương lai. Theo tôi, việc này dễ làm nhất, có thể làm nhanh nhất, vì có thể phân tán quyền quyết định và tổ chức thực hiện cho từng cộng đồng. 4.000 tỉ đồng dự kiến là quá ít. Nhà nước chỉ quyết định chi tiền và đưa ra các định hướng, chứ không bàn bạc, duyệt lê thê, hay tự đứng ra tổ chức làm. Phải kéo bà con và cộng đồng tham gia tích cực vào các quá trình quyết định những công trình phục vụ trực tiếp cho họ ở mức cộng đồng (trường, đường nông thôn, trạm xá, trường học). Làm cái gì là hoàn toàn do dân cư quyết định, phù hợp với nhu cầu của chính người dân ở mỗi địa phương, chứ không do Nhà nước quyết từ trên xuống. Ngược lại, tu bổ đê điều và các công trình thuỷ lợi, lại có thể làm từ trên xuống với sự huy động sức dân tham gia và trả công xứng đáng cho họ. Để cho bà con theo dõi, giám sát việc xây dựng, buộc phải công khai mọi thứ cho dân chúng biết. Nhà nước chi tiền cho các công trình do dân quyết định làm, và do dân giám sát, nhưng Nhà nước không đứng ra quản lý hay tổ chức làm. Làm thế là phù hợp với pháp lệnh dân chủ cơ sở, nhanh, hiệu quả, các quan chức và cơ quan nhà nước đỡ vất vả, nhưng mất cơ hội tham nhũng. Nếu vẫn làm theo cách cũ như đợt kích cầu cách đây mười năm (dân không được quyết, không tham gia giám sát), thì chỉ tốn tiền vô ích như hàng ngàn chợ xây xong bỏ không (vì theo quyết định chủ quan của Nhà nước, không hợp với dân).

Đưa hàng hoá về nông thôn mà dân không có sức mua thì cũng bằng không. Tạo cơ hội nhanh cho họ có thêm thu nhập, là việc cấp bách. Có thể cấp tiền (hay phiếu mua hàng) trực tiếp cho người nghèo. Việc này cũng có thể giao cho cộng đồng làm, họ tự xét ai đáng được trợ giúp, chính quyền chỉ chi tiền dựa theo quyết định của dân cư. Kéo các tổ chức xã hội dân sự tham gia giám sát, tư vấn. Tất cả đều phải công khai, thì các cơ quan nhà nước (trung ương và địa phương) cũng khỏi phải đưa ra tiêu chuẩn, phải bình chọn (nhưng cũng mất cơ hội xà xẻo).

Điều chỉnh cơ cấu cây trồng vật nuôi là việc dài hạn, không nên là mục tiêu kích cầu; nếu phối hợp được thì tốt, nhưng không nên đặt trọng tâm. Lẫn kích cầu và những việc dài hạn có thể lợi bất cập hại.

Những việc khác (trợ cấp mua vật tư, máy móc, xây silô chứa hàng trữ để xuất khẩu,…) khó xác định hơn, và làm không khéo dễ dẫn đến tiêu cực, kém hiệu quả. Có thể hỗ trợ nếu cũng làm theo cách để cộng đồng tham gia một cách minh bạch, nhưng thủ tục phải đơn giản. Không nên cho không, mà nên hỗ trợ một phần nếu có tiền. Thí dụ, cấp cho mỗi thôn (xã hay làng) một tỉ đồng để hỗ trợ (thí dụ không quá 20% tiền) mua vật tư, máy móc và để cho họ tự quyết định hỗ trợ ai, bao nhiêu tương tự như cấp tiền cho người nghèo. Nhưng kiểu hỗ trợ này sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối. Có lẽ tốt hơn nên cho các tổ chức tín dụng cộng đồng vay không có lãi để họ cho bà con vay thì hiệu quả hơn nhiều.

Nguyễn Quang A



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường