Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để nông dân mất ruộng không bị "bần cùng hoá"
14 | 06 | 2008
Việc giành lại ruộng đất từ nhà máy, sân golf và việc "cởi trói" hạn điền để sản xuất nông nghiệp hàng hoá trong giải pháp "tam nông", tất yếu sẽ xuất hiện những nông dân không ruộng và tình trạng ly hương.
Sau khi Lao Động có bài phản ánh, không ít quan ngại sự tái xuất hiện của nỗi lo "bần cùng hoá" nông dân không ruộng. Tuy nhiên, đã đến lúc phải dũng cảm đi tận cùng vấn đề này... Ruộng không phải là thước đo đời sống nông dân

Thực tế trong giai đoạn từ 2000 đến trước hội nhập, ở ĐBSCL đã có nhiều nông dân không ruộng vì nhiều lý do như cầm cố... Để giải quyết việc xoá đói, giảm nghèo, nhiều địa phương đã phải tìm mọi nguồn cho vay để nông dân chuộc lại đất kiếm kế sinh nhai.

Ví như Đồng Tháp có hẳn một chương trình cho vay chuộc đất, giúp hơn 600 hộ dân vay hơn 4,1 tỉ đồng để chuộc lại được hơn 2 triệu mét vuông đất. Còn tại An Giang, Trà Vinh đã hỗ trợ 1,4 tỉ đồng cho 1.350 hộ nông dân chuộc và mượn hơn 500ha đất đã cấp cố. Thậm chí An Giang còn tạo ra quỹ đất hơn 2.000ha để cấp cho nông dân không ruộng...

Vì vậy, khi dư luận cùng ngành nông nghiệp "nóng bỏng" về vấn đề "tam nông", đặc biệt chú ý việc "tích tụ ruộng đất" (tất yếu sẽ dẫn tới số không nhỏ nông dân không ruộng, ly hương, ly nông), đã có không ít quan ngại của người làm quản lý nhà nước.

"Bảo không trăn trở sao được? "Người cày có ruộng" chính là tính ưu việt của chúng ta. Mình đã phấn đấu để nông dân có quyền lợi. Bây giờ nông dân do trình độ sản xuất không sản xuất hiệu quả dồn điền đổi thửa..., trở thành không ruộng hay làm thuê trên đất mình thì những người quản lý phải trăn trở. Nhưng không thể không thay đổi bởi không phải người cày nào cũng có trình độ sản xuất, quản lý như nhau, nhưng nông sản lại đòi hỏi chất lượng mẫu mã đồng đều...

Sản xuất của Việt Nam đi từ tự cung tự cấp nay đã hình thành sản xuất hàng hoá là chính, có tích tụ ruộng mới có thể phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hoá" - TS Tống Khiêm (GĐ TT Khuyến nông quốc gia - Bộ NNPTNT) nói.

Để không "bần cùng hoá" nông dân không ruộng

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, chủ trương đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Từ nay đến đó chỉ một khoảng thời gian rất ngắn, lao động trong nông nghiệp phải tụt xuống chỉ còn khoảng 23% (công nghiệp là 47%, và dịch vụ là 30%), cơ cấu kinh tế chỉ còn 10% là thuộc về nông nghiệp (trong khi công nghiệp là 52% và dịch vụ là 38%).

Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải chuyển khoảng 50% lao động nông nghiệp hiện nay sang các ngành kinh tế khác như thế nào, chứ không thể để nông dân tự bơi. Một khi ruộng đất được tích tụ hàng chục, hàng trăm hécta thì những dịch vụ như kho tàng, cắt sấy, chế biến... sẽ có nhu cầu xuất hiện. Vì vậy, cứu nông dân là phải mở mang tạo ra một nền tảng giáo dục phổ thông cũng như giáo dục nghề để con em nông dân có năng lực sẵn sàng đi kiếm việc làm phi nông nghiệp. Đó là 1/3 giải pháp căn bản cho "tam nông".

Theo TS Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn), một trong những vấn đề cấp bách là dạy nghề cho người dân nông thôn. Cần trang bị cho họ những kỹ năng sản xuất và làm việc trước những thay đổi như mất đất sản xuất, công nghiệp hoá nông thôn...



Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường