Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm giàu từ ’cà rốt’
13 | 06 | 2008
Không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, nhưng với khát vọng vươn lên, từ một chàng trai đạp xe thồ buôn hàng nông sản, anh Nguyễn Văn Chung (thôn An Phú, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đã trở thành ông chủ cơ sở thu mua cà rốt lớn nhất vùng, được bà con nông dân gọi thân mật là Chung “cà rốt”.
Đạp xe buôn hàng nông sản

Nhà có 4 anh em, ai cũng học hành dở dang. Người này theo chân người kia vào Nam lập nghiệp, Chung ở nhà chăm sóc bố mẹ già. Hết phổ thông, vì hoàn cảnh nên Chung không dám nộp hồ sơ thi Đại học dù học rất khá. Vừa “gác bút”, Chung phải bấu ngay vào ghi đông xe đạp đi buôn. Quê anh nghèo, bà con trồng nhiều mặt hàng nông sản: hành tỏi, cà rốt, bắp cải, xu hào…nhưng thu nhập chẳng là bao vì không có đầu mối thu mua.

Hàng ngày anh mua hàng quanh xã rồi đèo ra Quốc lộ 5, xuống thành phố Hải Dương bán. Cứ quần quật hết ngày này qua ngày khác trên chiếc xe đạp phượng hoàng cũ kĩ mà cũng chẳng đủ ăn, anh bắt xe xuôi Hải Phòng, ngược Hà Nội tìm mối hàng buôn bán lớn.

“Hồi đó cực lắm, xe chở hàng ít, có hôm mình ngồi đợi dài cổ ở ngoài đường QL 5 mà chẳng có xe nào, đành mang hàng về, hôm sau mới chở đi bán được, chấp nhận lỗ để giữ mối vì hàng không còn tươi nữa. Có những ngày dở khóc dở cười vì gặp bọn bảo kê ở chợ, hàng của mình bị “cô lập” và đành bán tống bán tháo cho xong”. Suốt 5-6 năm liền, anh Chung cứ ngược xuôi như thế. Đùng một cái, mấy chủ hàng ở Hà Nội và Hải Phòng làm ăn thua lỗ, “lặn mất tăm” làm Chung lao đao. Mất một khoản vốn khá lớn, lại mất mối hàng, Chung bỏ nghề vào Tây Ninh cùng anh chị làm trang trại, lập đồn điền.

Làm giàu từ “cà rốt”

Trời nắng chang chang, đi khắp cánh đồng và dải đất phù sa dọc sông Thái Bình đâu đâu cũng thấy người dân thu hoạch cà rốt. Những củ cà rốt to, đỏ tươi được chất lên xe cải tiến, đóng vào bao tải ùn ùn kéo về các điểm thu mua. Bác nông dân tên Thành ngồi bệt bên bờ ruộng, lấy vạt áo quệt dòng mồ hôi, cười: “Không có thằng Chung, dân ở đây bỏ trồng cà rốt từ lâu rồi”

Dù đã hẹn nhiều lần nhưng phải lòng vòng đốt thời gian hơn 3g đồng hồ tôi mới có thể gặp anh Chung: “Bạn thông cảm, mỗi ngày Nhà máy rau quả Sơn Đông của mình thu mua 100-200 tấn cà rốt. Mình vừa phải chạy đi chạy lại kiểm định chất lượng hàng hóa, chỉ bảo công nhân cọ rửa, đóng bao và xuất hàng vừa phải trả tiền cho bà con nên chẳng có mấy lúc rỗi rãi”

Năm 1990, hai xã Cẩm Văn và Đức Chính, huyện Cẩm Giàng được một tổ chức của Pháp chọn làm nơi thí điểm cho một dự án trồng cà rốt xuất khẩu. Họ đã đầu tư vốn và cung cấp giống cho bà con nông dân thực hiện dự án, nhưng sau nhiều mùa vụ, chất lượng cà rốt đã không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Dự án bị “đứt” ngang chừng, nông dân Cẩm Giàng đang hồ hởi về một cơ hội “đổi đời” bị vỡ mộng. Nhiều gia đình đã bỏ đất hoang.

Rửa cà rốt.

Năm 1997, Nguyễn Văn Chung, sau nhiều năm lăn lộn trong miền nam trở về thăm bố mẹ già. Nhanh nhạy với thị trường, Chung nhận thấy hiện nay cà rốt đang là loại rau quả rất được ưa chuộng tại các thành phố. Anh bắt xe khách đi tìm thị trường và đối tác. Chung mượn sân kho của Hợp tác xã gần nhà, xây lát lại sạch sẽ và treo biển: “Điểm thu mua cà rốt giá cao”. Giá thu mua của Chung cao hơn hẳn của tư thương đã khiến bà con rất phấn khởi, nhiều gia đình còn đi thuê thêm đất để phát triển cà rốt. Không những vậy, Chung còn tìm đến trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội để học hỏi kĩ thuật trồng trọt và mua những giống cà rốt có năng suất cao, phù hợp với đồng đất quê mình cho bà con gieo trồng. Những hộ khó khăn đều được anh cho vay vốn để mở rộng sản xuất và hướng dẫn kĩ thuật rất tận tình. Lời cam kết bao tiêu sản phẩm của anh Chung đã giúp cho nông dân hai xã Cẩm Văn và Đức Chính yên tâm. Diện tích trồng cà rốt ngày càng được mở rộng, nhiều doanh nghiệp, tư nhân cũng nhảy vào buôn bán mặt hàng nông sản này. Hiện nay diện tích trồng cà rốt đã lên tới hàng trăm hecta, kéo dài khắp huyện Cẩm Giàng và nhiều huyện lân cận.

Đến năm 2005, nhận thấy cần phải phát triển cơ sở kinh doanh của mình, Chung mạnh dạn vay vốn và đề xuất mượn đất của huyện Cẩm Giàng lập nhà xưởng, mua máy móc để thực hiện sơ chế theo phương pháp công nghiệp. Năm 2006 Nhà máy rau quả đông lạnh Sơn Đông với công suốt rửa cà rốt 300 tấn/ngày của Chung chính thức đi vào hoạt động. Dãy nhà xưởng trên mảnh đất rộng 3 ha với 6 dây truyền hiện đại của Trung Quốc và Đài Loan và 4 kho lạnh có sức chứa hàng trăm tấn luôn hoạt động hết công suất.

Sau nhiều năm chỉ nhắm đến thị trường trong nước, từ năm 2007 Chung bắt đầu đưa cà rốt xuất ngoại, lô hàng đầu tiên là sang Trung Quốc. “Tuy số lượng chưa nhiều, nhưng đó là sự khởi đầu tốt để tôi mạnh dạn hơn trong việc đưa cà rốt Cẩm Giàng xuất khẩu sang nhiều nước hơn nữa”-Anh Chung hồ hởi.

Vụ cà rốt chỉ kéo dài 6 tháng (tháng10- 4 âm lịch), để 80-150 người có thu nhập từ 1,5-2,5 triệu, Chung còn mở rộng mặt hàng kinh doanh, buôn cả vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên.

“Mỗi năm Nhà máy rau quả của Chung tiêu thụ khoảng 15.000 tấn cà rốt và hàng nghìn tấn rau củ quả khác như xu hào, bắp cải, bầu bí,…đã thúc đầy người nông dân ở đây chăm chỉ hơn trên cánh đồng của mình, vì đơn giản từ cánh đồng đó họ có thu nhập tốt”-Ông Nguyễn Văn Thơi, Chủ tịch UBND xã Đức Chính cho biết.

Theo thống kê của UBND huyện Cẩm Giàng, toàn huyện có hơn 400 ha trồng cà rốt, chủ yếu tập trung ở hai xã Cẩm Văn và Đức Chính. Mỗi ha cà rốt mang lại cho bà con vùng chuyên canh hàng trăm triệu đồng. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 400.000-500.000đ/sào, đến vụ thu hoạch, bình quân mỗi sào đạt 1,5-2 tấn củ, bán với giá 1.500-2.000đ/kg ngay tại ruộng cho tư thương. Như vậy, chỉ trong 3-4 tháng, người trồng đã có thu nhập khoảng 2,6-3,5 triệu đồng/sào, trừ chi phí lãi hơn 2 triệu đồng.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường