Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng bằng sông cửu long: Cần tiếp sức để nông dân ra ’biển lớn’
21 | 12 | 2007
Đến năm 2010, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 6,2 - 6, 5 tỷ USD. Trong đó, sản phẩm nông sản chiếm khoảng 60%. Nhưng ai sẽ tiếp sức để nông dân có thể đưa nông sản vượt đại dương? Cạnh tranh nông sản = khoa học kỹ thuật + tay nghề.


Từ nay đến năm 2010, ĐBSCL sẽ giữ ổn định diện tích khoảng 1, 7 triệu hecta đất có điều kiện thủy lợi tốt để sản xuất 2-3 vụ lúa năng suất cao, bình quân trên 10 tấn /ha/năm, giữ ổn định sản lượng 17-18 triệu tấn /năm. Đưa vào trồng đại trà các giống lúa mới, trong đó lúa chất lượng cao dành cho xuất khẩu chiếm 40-50% tổng sản lượng. Phấn đấu đến năm 2010, diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn vùng đạt 0,85-1 triệu hecta, tổng sản lượng 2, 24 triệu tấn. Trong đó, sản lượng nuôi chiếm trên 60%, tổng giá trị sản xuất 45.000 - 48.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu 2,2-2, 4 tỉ USD...

Từ trước đến nay, ĐBSCL luôn giữ vị thế là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa trọng điểm của cả nước. Hàng năm, sản xuất trên 50% lượng lúa, cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, đóng góp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, đem về cho đất nước hơn 3 tỉ USD. Tuy nhiên, nông dân ĐBSCL vẫn còn thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chạy theo phong trào, chi phí sản xuất cao, giá cả bấp bênh, hàm lượng chất xám trong sản phẩm nông nghiệp chưa cao, kém sức cạnh tranh. Mặc dù nông dân ĐBSCL đã góp phần làm nên kỳ tích cho Việt Nam, từ nước phải nhập thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng đa số những người làm nên kỳ tích đó vẫn cấy lúa bằng tay, gặt bằng liềm, vác lúa bằng vai, phơi lúa trên sân và cả lòng đường.

GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho rằng: “Đã đến lúc, nông dân trồng lúa không chỉ bằng kinh nghiệm mà phải bằng kiến thức. Có kiến thức sẽ giúp họ đưa ra những quyết định đúng đắn. "Cách mạng xanh" không thể chỉ trông cậy vào thành tựu của di truyền giống mà đòi hỏi phải có một phương thức quản lý sản xuất tổng hợp hơn, đa ngành hơn, nhất là sản xuất lúa gạo phục vụ xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Quốc Vọng, Viện Nghiên cứu Rau quả Gosford, Bộ Nông nghiệp New South Wales (Australia), người quan tâm nhiều đến ĐBSCL, trăn trở: “Gia nhập WTO, Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia trên thế giới. Những quốc gia có khả năng xuất khẩu thường là những nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển, nông dân có trình độ cao. Như ở Australia, nông dân đã sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật từ lâu. Hiện nay, họ đang học thêm ngành mới là nông nghiệp chính xác - tức là dùng những thông tin từ vệ tinh để yểm trợ cho sản xuất nông nghiệp. Như vậy, cạnh tranh nông sản đồng nghĩa với cạnh tranh về khoa học kỹ thuật và tay nghề của nông dân. Nếu 70% dân số ở nông thôn không được đào tạo ngành nghề, không được tham gia vào những hiệp hội có tổ chức để thay đổi tư duy, nhanh chóng trang bị đầy đủ kỹ thuật công nghệ cao thì việc cạnh tranh với hàng ngoại ở nước ngoài và ngay tại sân nhà là điều rất khó”.

Tiếp sức cho nông dân

Nông dân ĐBSCL liệu có thể tự "bơi" giữa "biển lớn" WTO? GS.TS Võ Tòng Xuân, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, quả quyết: “Không thể để nông dân tự "bơi" được. Cần chấm dứt trình trạng Nhà nước để nông dân làm ăn tự phát, trăm hoa đua nở, chưa trở thành sức mạnh tập trung cho từng mũi nhọn tiến công trên thị trường. Chính vì thế, tuy sản xuất nhiều nhưng chất lượng không cao, lợi tức thấp vì chưa có tay nghề hiện đại và chưa được tổ chức hữu hiệu. Bà con phải từ giã cái "ao nhỏ" ở làng để đi ra "biển lớn". Bà con cũng phải nhận thức được rằng làm ăn tự do sẽ khó giàu, vì không thể chỉ bán hàng ở chợ làng mà phải bán ra khắp các tỉnh, thành trong nước và vươn ra nước ngoài. Người mua hàng sẽ là công ty lớn, họ mua với khối lượng lớn nông sản có chất lượng, an toàn vệ sinh và giá rẻ. Chúng ta phải cung cấp khối lượng lớn đó đúng vào thời điểm khách hàng cần. Họ không thể chờ ta vì họ không bao giờ muốn lỡ kế hoạch buôn bán...".

Trong khi đó, nông dân ĐBSCL hiện chỉ có ruộng vườn và sức lao động, trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, chưa đủ điều kiện để "bơi ra khơi". Vì thế, Nhà nước phải sớm hoạch định sản xuất cho từng vùng, từng địa phương, từ đó đầu tư hạ tầng như thủy lợi, hệ thống giao thông, phát triển mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư, đưa cây - con giống chất lượng cao phục vụ xuất khẩu đến tay nông dân. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản hàng hóa phải gắn kết với nông dân từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ để tạo cơ hội cho nông dân bước lên trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nông dân ĐBSCL không thể đủ sức để tự mình vượt "đại dương" WTO mà cần có sự tiếp sức của năm nhà: Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông và báo chí. Có như vậy, nông dân mới kỳ vọng "bơi" được đến đích.



Theo KTNT
Báo cáo phân tích thị trường