Cũng tại hội nghị, ngày 19/12, Phó Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà xuất khẩu đã đạt được trong năm qua và coi đây là động lực mạnh mẽ mở ra cơ hội tăng trưởng nhanh kim ngạch xuất khẩu năm 2008.
Để thực hiện tốt kế hoạch xuất khẩu năm 2008, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường, tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh hơn nữa đối với cộng động doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, cũng như các giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành hàng.
Về phía cơ quan chủ quản, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định, bên cạnh những nguồn vốn huy động gia tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thời gian qua, thì vị trí và vai trò của Việt Nam trên quốc tế được cải thiện trên nhiều lĩnh vực là nhân tố quan trọng trực tiếp tác động đến khả năng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Báo cáo Kế hoạch phát triển xuất khẩu năm 2008 của Bộ Công Thương đặt mục tiêu tạo bước đột phá trong lĩnh vực xuất khẩu với chỉ tiêu kim ngạch đạt trên 58 tỷ USD, tăng 20 - 22% so với năm nay.
Về cơ cấu xuất khẩu, Bộ chủ trương tập trung nâng cao chất lượng để tăng giá trị hàng xuất khẩu với các mặt hàng truyền thống; mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, giải quyết nhiều lao động như dệt may, giày dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử; các mặt hàng sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cao-su, thực phẩm chế biến, dịch vụ phần mềm.
Trên cơ sở đó, những nhóm hàng được dự báo tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2008 là dầu thô, dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ, gạo, cà phê, cao su, nhóm các sản phẩm cơ khí. Đặc biệt, thủ công mỹ nghệ, dây điện và cáp điện được dự báo sẽ bổ sung vào danh sách các thành viên của “Câu lạc bộ 1 tỷ USD”.
Về thị trường, theo Bộ Công Thương, các thị trường chủ lực năm 2008 sẽ vẫn là Nhật Bản, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Ôxtrâylia. Ngoài ra, các thị trường khác cũng sẽ được tiếp tục khai thác là Nga, Trung Đông, Mỹ La Tinh và châu Phi. Trong số này, khu vực châu Phi và Tây Nam Á dự báo sẽ có mức tăng cao, khoảng 54% so với năm 2007, đạt khoảng 2,8 tỷ USD do khu vực này có chính sách thương mại tương đối ổn định và có nhiều thuận lợi đối với hàng Việt Nam.
Cũng tại hội nghị, Bộ Công Thương đã công bố kết quả xuất khẩu năm 2007 với con số ấn tượng 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm ngoái, vượt trên 3% so với kế hoạch Chính phủ đặt ra.
Kim ngạch của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm xấp xỉ 57% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt 27,3 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2006; khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trên 23%.
Kết thúc năm 2007, đã có 10 mặt hàng và nhóm mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là thủy sản, gạo, cà phê, cao su, dầu thô, dệt may, giày dép, điện và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ và nhóm sản phẩm cơ khí. Trong đó, ngoài 4 mặt hàng lớn truyền thống là dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản đều đạt trên 3 tỷ USD, hai mặt hàng điện tử và sản phẩm gỗ cũng đã đạt trên 2 tỷ USD. Một số nông sản chủ lực cũng đã thắng lớn trong năm 2007 do những lợi thế về giá trên thị trường thế giới.