Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội nâng giá trị hạt gạo
20 | 04 | 2008
Thế giới khủng hoảng lương thực là cơ hội vàng để Việt Nam nâng cao vị thế chính trị - như một quốc gia giữ vai trò an ninh lương thực của thế giới. Muốn vậy, ngay bây giờ cần lời giải đáp rốt ráo, chính xác và có hiệu quả cho nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long
Những bài trước, chúng tôi đã đề cập đến những giải pháp liên quan đến sản xuất. Bài này, chúng tôi đề cập đến khâu lưu thông.

Về vận tải
Lúa và gạo chiếm đến 2/3 khối lượng hàng hoá vận chuyển của toàn vùng (khoảng 40 triệu tấn).
Ngày xưa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về Sài Gòn để xay xát tại khu Kho Tròn bến Bình Đông bằng đường sông là chủ yếu. Kênh rạch được nạo vét thông suốt từ các chi lưu về mạch chính sông Hậu qua kênh Mang Thít về sông Tiền, rồi qua kênh Chợ Gạo về kênh Nước Mặn, vào rạch Cây Khô về kênh Tàu Hủ, kênh Đôi.
Ngày nay, đa phần lúa được xay xát tại các tỉnh, đường bộ phát triển, nên vận tải lúa gạo bằng đường sông tuy giá rẻ nhưng ngày càng thu hẹp. Đường sông ngày càng bớt quan trọng nên kênh rạch cũng ít được nạo vét và thường bị xâm chiếm. Vận tải cung ứng cho tiêu dùng và xuất khẩu từ ĐBSCL về các nơi, nhất là TP.HCM, hầu hết là bằng đường bộ, tuy nhanh chóng nhưng giá thành cao.
Cả ĐBSCL có vài cảng sông pha biển như Cần Thơ, Trần Quốc Toản, Mỹ Thới, Vĩnh Thái, Mỹ Tho, nhưng do thắt cổ chai ở cửa Tiểu, cửa Định An nên chỉ thông lưu tàu đến khoảng 5.000 tấn khiến giá cước trên đầu tấn tăng. Xuất khẩu gạo, giá trị thấp mà giá cước cao, khiến năng lực cạnh tranh yếu.

Về thương mại và xuất khẩu
Như bài trước đã trình bày, ĐBSCL hiện chưa có một chợ đầu mối đúng nghĩa. Việc mua bán từ nông dân về nhà máy xay chủ yếu vẫn qua thương lái, hàng xáo. Gần đây tổng công ty Lương thực có xây dựng hai chợ đầu mối lúa gạo tại Phú Cường (Tiền Giang) và Thanh Bình (Đồng Tháp), thực ra cũng chỉ thu mua và cho thuê kho. Người ta thường đổ thừa cho tư thương ép giá, nhưng vẫn chưa có giải pháp thay thế hữu hiệu. Thậm chí tại hai chợ đầu mối này, người ta cũng hoạt động như một hàng xáo lớn. Các nhà máy xay vẫn hoạt động như các chành ngày xưa.
Mọi giao dịch mua bán thường gián tiếp qua thương lái, hàng xáo, một ít trực tiếp với nông dân, do chưa có một sàn giao dịch nào.
Tại chợ Sa Đéc, từ lâu đã có “một sàn giao dịch lúa gạo không chính thức” hoạt động từ 3 giờ sáng, hữu hiệu cho cả nông dân lẫn nhà máy, nhưng chưa được khuyến khích, mở rộng hoặc hợp thức hoá; nhiều lãnh đạo địa phương và lân cận còn chưa biết. Mặt khác, việc xây dựng thương hiệu hạt gạo ĐBSCL hiện vẫn còn manh mún, lẻ tẻ, mạnh nhà máy nào nấy làm. Việc quảng bá và phát triển thương hiệu gần như là chưa có.
Gần như mỗi năm nông dân đều “bị hăm doạ” hạn chế xuất khẩu gạo. Và mỗi lần như thế là giá lúa giảm.
Tóm lại, hình như vấn đề lúa gạo ĐBSCL vẫn còn là một bài toán cần lời giải đáp rốt ráo, chính xác và có hiệu quả, mang tính chất và quy mô của toàn vùng. Diện tích lúa có thể giảm, nhưng năng suất và chất lượng phải được nâng lên. Các sản phẩm chế biến từ lúa phải được đa dạng hoá và tạo thêm giá trị gia tăng.
Phải chăng các tỉnh thành ĐBSCL cần có một chương trình mục tiêu chung về lúa và gạo, trong đó việc xây dựng chừng ba khu công nghiệp phức hợp lúa gạo tại các vùng lúa lớn là khởi điểm và then chốt để giải quyết một cách toàn diện và đồng bộ vấn đề cây lúa của toàn vùng từ canh tác đến chế biến, tồn trữ, vận tải, thương mại hoá và xuất khẩu.
Có thể có một khu cho phía bắc sông Tiền đặt tại Phú Cường – Tiền Giang (bao gồm Long An, Tiền Giang và một phần Đồng Tháp). Một khu cho phía tây nam sông Hậu đặt tại Long Xuyên gần cảng Mỹ Thới (một phần Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và một phần Đồng Tháp). Và một khu cho phía đông nam sông Hậu đặt tại Cần Thơ gần cảng Cái Cui (bao gồm một phần Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).
Cả ba khu sẽ kết nối với viện lúa Ô Môn, các viện của trung ương tại phía Nam, các trường đại học, các hiệp hội nông dân, các tổng công ty và công ty lúa gạo, ngân hàng thương mại… cùng với các bộ có liên quan và các tỉnh thực hiện chiến lược quốc gia nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo trên thương trường quốc tế.



Nguồn: sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường