Vẫn cách làm cũ!
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị lỗ không phải là chuyện lạ. Điều này xuất phát từ sự yếu kém tồn tại nhiều năm qua do thiếu chuẩn bị về kho bãi, thiếu nguồn hàng trước khi ký hợp đồng với đối tác nên không thể chủ động về giá.
Quá trình thu gom cũng theo kiểu “ăn xổi ở thì”, chỉ biết gom cho đủ số lượng, không cần phân biệt đó là loại lúa gì! Có thể nói, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đều thu mua theo kiểu “chạy sô” chứ không nghĩ đến việc bình ổn thị trường nội địa.
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp xem lúa hạt dài hay hạt ngắn đều “cá mè một lứa”, thu mua tứ tung rồi trộn chung lại để cung ứng cho đối tác. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhìn nhận: “Kiểu làm này khiến từ lâu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo. Thành ra, hạt gạo Việt Nam dù đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới nhưng bên ngoài bao bì đôi khi lại mang dòng chữ “made in” của một nước thứ ba”.
Gần đây, một vài doanh nghiệp như Công ty Gạo Việt thuộc Gentraco Cần Thơ, Công ty xuất nhập khẩu An Giang… đã tiến hành ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con. Tuy nhiên đó cũng chỉ là vài doanh nghiệp đơn lẻ, làm thử nghiệm chứ chưa tổ chức thực hiện một cách có hệ thống.
Nâng giá hạt gạo
Theo Bộ NN-PTNT, tháng 2-2009, xuất khẩu gạo đạt 750.000 tấn, với kim ngạch đạt 350 triệu USD, đưa khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 1,054 triệu tấn với giá trị kim ngạch 479 triệu USD, gấp 2,29 lần về khối lượng và 2,51 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Đây là con số rất ý nghĩa trong tình cảnh nhiều mặt hàng nông sản có xu hướng giảm về giá trị xuất khẩu.
Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, năm 2009, bộ đặt ra chỉ tiêu xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo và hiện nay, giá gạo ký hợp đồng xuất khẩu đã tăng lên mức 430 - 460 USD/tấn, tùy từng loại gạo. Trước tình hình hợp đồng ký xuất khẩu gạo đang “khí thế”, mới đây Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc về việc điều chỉnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thành Biên - Thứ trưởng Bộ Công thương - nhận định, số lượng gạo xuất khẩu và số lượng theo hợp đồng đã ký trong hai tháng đầu năm là quá lớn. Tổng số lượng gạo phải giao theo các hợp đồng đã ký từ nay đến tháng 6-2009 khoảng 2,7 triệu tấn.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng chúng ta “được mùa” xuất khẩu gạo, vì những hợp đồng xuất khẩu mới ký thêm được rất lớn, đồng thời, kéo được giá gạo xuất khẩu từ 380 USD lên 430 USD. Đây là điều mà trong 20 năm xuất khẩu gạo, nước ta chưa làm được.
Thực tế cho thấy, từ năm 1989 đến 2008, Việt Nam đã xuất khẩu 65 triệu tấn gạo và khẳng định được tư thế của Việt Nam trên thị trường gạo ở loại phẩm cấp trung bình. Mặc dù hiện tại Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới chỉ sau Thái Lan nhưng vị trí “hàng thứ hai” này quá cách xa nhiều điểm: năng lực xuất khẩu chỉ 5 triệu tấn so với 10 triệu tấn của Thái Lan, giá rẻ hơn của Thái Lan.
Tại sao gạo xuất khẩu của Thái Lan giá cao hơn gạo của Việt Nam? Theo các chuyên gia, có hai lý do cơ bản. Đó là chất lượng gạo Việt Nam thường thấp hơn gạo Thái Lan, vì không đa dạng và chất lượng xay xát không tốt. Bên cạnh đó là việc rủi ro trong giao dịch với nhà xuất khẩu Việt Nam. Hiện nay, thị trường gạo Việt Nam đang đối mặt với những thách thức khó khăn về nguồn cung và cầu các loại gạo khác nhau. Chưa kể, chất lượng gạo cũng có vấn đề, liên quan đến khả năng sấy khô, xay xát và tồn trữ!
Làm gì để đẩy giá hạt gạo VN? Các chuyên gia cho rằng, cần phải đầu tư vào 3 lĩnh vực quan trọng. Đó là tăng sản lượng đối với các nông hộ nhỏ bằng cách đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất của nông hộ để có đủ hàng hóa. Hiện đại hóa thị trường gạo Việt Nam thông qua sự đa dạng về chủng loại và chất lượng xay xát cũng như tồn trữ. Cuối cùng là Chính phủ cần có những chính sách tốt hơn cho ngành sản xuất gạo trong nước.