Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm giải pháp “chi viện” giống lúa cho miền Bắc
21 | 04 | 2008
Sáng qua (16/4), tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị “Bàn các giải pháp cung ứng giống cây trồng phục vụ sản xuất vụ hè thu và vụ mùa 2008 tại các tỉnh miền Bắc”.
Khó khăn chồng chất!

'Hội
Cục phó Cục Trồng trọt Phan Huy Thông nhấn mạnh, đây là “hội nghị bàn tròn” có tính chất đặc biệt quan trọng, nhằm tìm ra những giải pháp căn cơ để hoá giải khó khăn cấp bách về nguồn giống (chủ yếu là giống lúa) cho các địa phương phía Bắc. Ông Thông cho biết, đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày (từ 14/1 đến 20/2/2008) tại các tỉnh miền Bắc đã gây thiệt hại rất nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Có thể khẳng định, việc thiếu giống lúa (chủ yếu là giống ngắn ngày) phục vụ cho sản xuất hè thu và vụ mùa tại các tỉnh Bắc Trung bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Đông Bắc là rất nghiêm trọng. Vì vậy, việc huy động nguồn giống lúa từ các địa phương thuộc Duyên hải Nam Trung bộ "chi viện" cho miền Bắc là giải pháp cơ bản để đảm bảo đủ giống cho sản xuất…

Theo kế hoạch, tổng nhu cầu giống lúa ngắn ngày để phục vụ việc gieo trồng khoảng 35 nghìn tấn. Cục Trồng trọt cho biết, điều tra sơ bộ tại các địa phương Bắc Trung bộ và miền Bắc cho thấy, hiện nay, lượng giống lúa còn lại trong dân chỉ khoảng 10 nghìn tấn; vì vậy, tổng lượng giống cần bổ sung là 25 nghìn tấn, trong đó lúa lai cần khoảng 6.500 tấn (sản xuất trong nước đạt khoảng 2.500 tấn, còn lại phải nhập khẩu). Ông Thông cho rằng, để đảm bảo cho sản xuất ở miền Bắc, sắp tới, phải huy động ít nhất khoảng 8.000 tấn giống lúa từ phía Nam đưa ra, trong đó, tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ chiếm 2/3

Nhu cầu là vậy, thế nhưng, cũng do chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại nhiều đợt, các vùng sản xuất giống lúa tại Duyên hải Nam Trung bộ năng suất giảm mạnh, chắc chắn việc “chi viện” cho miền Bắc là một thách thức lớn. Theo ông Lê Quý Tường – Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón vùng miền Trung và Tây Nguyên thì vụ ĐX này, với hơn 1.500 ha diện tích sản xuất giống, dự kiến tổng sản lượng thu được là 7.922 tấn giống lúa qua kiểm định đồng ruộng cấp nguyên chủng và xác nhận; trong khi đó, nhu cầu giống cho vụ hè thu tới tại Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên là 29.584 tấn. Duyên hải Nam Trung bộ – Tây Nguyên cũng… kêu trời, biết lấy gì chi viện cho các địa phương phía Bắc?

Giải pháp nào?

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Giống cây trồng Thái Bình – ông Trần Mạnh Báo thông tin: Vụ ĐX này, Cty ký hợp đồng với nông dân miền Trung – Tây Nguyên sản xuất hơn 500 ha giống lúa (tập trung nhiều nhất tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Ông Báo cho biết, dự kiến tổng sản lượng thu được khoảng hơn 2.000 tấn lúa giống. Ngay sau khi thu hoạch, Cty sẽ lập tức đưa ra Bắc 1.500 tấn để kịp thời cung ứng cho nông dân.

Ông Lê Duy Tuất – Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống cây trồng Thanh Hoá cho hay, vụ hè thu tới, chắc chắn Thanh Hoá sẽ thiếu khoảng 1 nghìn tấn giống lúa. Để giải quyết khó khăn trên, trước vụ sản xuất đông xuân này, lãnh đạo đơn vị đã "nhảy" vào Quảng Nam hợp đồng với nông dân sản xuất 100 ha giống lúa Q5, Khang dân 18, Xi23, X21. Theo ông Tuất, toàn bộ số diện tích trên đều sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất chắc chắn sẽ không dưới 5 tấn/ha. Với sản lượng dự kiến khoảng 500-600 tấn giống lúa, ông Tuất bảo, sẽ đưa toàn bộ về để cung ứng cho nhân dân Thanh Hoá.

Theo ông Lê Quý Tường, phải khai thác tốt nguồn giống lúa trong nông hộ. Nhiều ý kiến tại hội nghị đồng tình là ngay từ bây giờ, Cục Trồng trọt cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương ở Duyên hải Nam Trung bộ – Tây Nguyên phải nhanh chóng vào cuộc để triển khai đồng bộ việc điều tra, chọn hộ sản xuất giống lúa tốt, tiến hành kiểm tra đồng ruộng, khử lẫn để chế biến thành hạt giống “Giống Nông hộ” đạt cấp giống tương đương cấp xác nhận để phục vụ sản xuất…

Nhiều lãnh đạo Sở NN-PTNT cho rằng, vụ hè thu và vụ mùa tới, phải tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng triệt để biện pháp gieo cấy tiết kiệm giống. Đối với các tỉnh miền Bắc, sản xuất 1 ha lúa lai chỉ nên sử dụng tối đa 25 kg hạt giống; lúa thuần thì 40 kg/ha. Đối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ – Tây Nguyên, sản xuất 1 ha lúa lai cũng áp dụng lượng giống như ở miền Bắc; riêng lúa thuần chỉ nên sử dụng 70 kg hạt giống/ha (lâu nay vùng này thường gieo sạ 100 kg giống/ha)…

Ông Võ Văn Cường – Phó GĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, vụ ĐX này, toàn tỉnh sản xuất gần 2.000 ha giống lúa và ngô (trong đó khoảng hơn 200 ha giống lúa lai F1 và 100 ha ngô lai F1). Dự kiến sản lượng giống thu được từ 2 loại cây trên là hơn 8.000 tấn. Ông Cường bảo, Quảng Nam sẽ sớm nghiên cứu để “chia sẻ” cho miền Bắc một phần nhỏ…

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Vinh Quang – Giám đốc Cty CP Giống Nông lâm nghiệp Quảng Nam cho biết, đơn vị sẽ thu hơn 2 nghìn tấn giống lúa từ việc ký hợp đồng sản xuất với nông dân. Theo ông Quang, Cty sẽ để lại 1 nghìn tấn phục vụ cho nhu cầu của nông dân Quảng Nam và các vùng lân cận, số còn lại sẽ “chi viện” cho miền Bắc…

Còn lắm nỗi lo

Ông Lê Hưng Quốc – PCT Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam lo ngại, trước “cơn sốt” giống lúa này, nếu lãnh đạo địa phương và ngành nông nghiệp các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ – Tây Nguyên không có những giải pháp căn cơ thì tình trạng “tranh mua, tranh bán” giữa các DN chắc chắn sẽ xảy ra. Và, việc nâng giá thu mua giống lúa một cách vô tội vạ là điều không thể tránh khỏi. Lãnh đạo một số Sở NN-PTNT ở Duyên hải Nam Trung bộ cũng than rằng, thời gian qua, rất nhiều DN không chịu báo cáo đúng số diện tích sản xuất giống lúa tại địa phương, gây khó khăn cho việc kiểm định chất lượng hạt giống cả đầu vào và đầu ra. Cũng vì cái sự “giấu” của DN mà ngành chuyên môn không thể thống kê chính xác số diện tích sản xuất giống lúa thực có tại địa phương mình, gây khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất; đặc biệt, ngay lúc này là chuyện cân đối nguồn giống để chi viện cho miền Bắc…

Không ít ý kiến tại hội nghị cũng tỏ ra lo ngại về chất lượng nguồn giống lúa trong “cơn sốt” này. Bởi, một khi công tác kiểm định chất lượng giống còn nhiều bất cập thì nông dân vớ phải giống dỏm là điều khó tránh khỏi.. Thậm chí, nhiều Cty còn mua thóc thịt, đóng gói giả giống lúa để lừa nông dân… Về vấn đề này, ông Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, gần 1 tháng nay, Cục đã cử hàng chục cán bộ vào các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ – Tây Nguyên để cùng các ngành, đơn vị, địa phương thắt chặt công tác thanh tra, kiểm định chất lượng giống lúa…



Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường