Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông, lâm nghiệp miền núi phía bắc, Nguyễn Văn Toàn cho biết, vùng miền núi phía bắc có điều kiện khí hậu khắc nghiệt với mùa đông lạnh và kéo dài. Tuy nhiên, đây lại là vùng có thể trồng được cây cao-su góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Cây cao-su trên vùng Tây Bắc phải là những giống chịu lạnh và hạn khá. Từ năm 2005, cây cao-su bắt đầu được trồng tại Lai Châu, sau đó các tỉnh Sơn La, Ðiện Biên và Hòa Bình bắt đầu quy hoạch và trồng thử nghiệm. Năm 2007, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc đã xây dựng một số mô hình trồng cây cao-su tại các vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh Lai Châu và Sơn La. Những dòng cao-su vô tính như GT 1, IAN 873, RRIM 600, RRIM 712, RRIV 1, PB 260... được chọn để trồng thử nghiệm. Kết quả cho thấy, các dòng vô tính đều sinh trưởng khá đồng đều và mức độ chịu ảnh hưởng do nhiệt độ xuống thấp, khả năng phục hồi, thời gian cho khai thác mủ khác nhau. Hiện nay, Viện đang phối hợp Viện Nghiên cứu cao-su Việt Nam theo dõi và khảo nghiệm sản lượng mủ của 30 giống tại địa bàn tỉnh Phú Thọ. Qua theo dõi đã lựa chọn được 10 giống cho sản lượng mủ tương đối đồng đều trong các năm. Viện đang có hai ha cao-su khai thác, trong đó một ha tại vườn so tuyển trồng năm 1994 gồm 30 dòng vô tính và một ha vườn quan trắc trồng năm 1997 với năm dòng vô tính. Hai vườn đang khai thác lấy mủ thí nghiệm hai lần/tháng bằng phương pháp đánh đông tại lô. Qua khai thác cho thấy, một số dòng vô tính cho năng suất mủ khá. Ðiển hình giống RRIV 1 sau sáu năm cạo mủ đạt năng suất khá cao (1,35 tấn/ha/năm). Còn giống SCAT 88/1, IAN 873 và HAKEN 1 sau khi giảm sản lượng mủ năm 2005 nhưng đang có chiều hướng tăng năng suất mủ tương đối đều trong các năm còn lại.
Theo TS Lê Quốc Doanh, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, khó khăn nhất trong trồng cao-su tại vùng Tây Bắc là đất đai hiện nay phần lớn là đất canh tác của nông dân. Nếu đưa cây cao-su vào trồng phải mất 6-7 năm mới cho thu hoạch, thời gian này, nông dân không có thu nhập. Ðể giải quyết tình trạng này, Viện đã nghiên cứu thành công mô hình trồng xen cây ngắn ngày trong các vườn trồng cao-su thời kỳ kiến thiết cơ bản, góp phần bảo đảm an ninh lương thực vừa bảo đảm phương châm lấy ngắn nuôi dài cho nông dân. Hai loại cây trồng chính được thử nghiệm là lạc và đậu tương. Trong đó, hai giống đậu tương được xác định là ÐT 12 và ÐT 84 với tỷ lệ sinh trưởng cao, thời gian trồng từ 80 đến 90 ngày cho thu hoạch, năng suất đạt 0,7-0,8 tấn/ha, trừ chi phí nông dân lãi thuần gần bảy triệu đồng/ha/năm. Ðồng thời, cũng xác định được hai giống lạc là HL5 và MÐ9 với số củ trên khóm, tỷ lệ nhân cao và năng suất đạt hơn một tấn/ha, trừ chi phí, bà con có lãi gần bốn triệu đồng/ha/năm.
Ðể tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cao-su trên diện rộng nhằm khai thác hết lợi thế hiện có trên vùng Tây Bắc, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc đang triển khai dự án phát triển giống cao-su vùng Tây Bắc. Mục tiêu của dự án nhằm hình thành, xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống cao-su mới, thích nghi với điều kiện địa lý một số tỉnh vùng miền núi phía bắc. Viện đã được các cơ quan chức năng đồng ý cho nhập nội một số giống cao-su Vân Nghiên 77-2, Vân Nghiên 77-4... từ Trung Quốc. Qua khảo sát cho thấy các giống này sinh trưởng khỏe, chịu rét tốt và cho năng suất mủ bình quân đạt 1,8 đến 2 tấn/ha. Ðể nhân giống kịp thời phục vụ phát triển trồng cao-su trên vùng Tây Bắc, Viện đã nuôi mầm ghép và ghép thành công tại xã Phú Hộ (Phú Thọ) gần 400 mắt giống Vân Nghiên 77-2 và gần 300 mắt giống Vân Nghiên 77-4. Ðồng thời, hoàn thành xây dựng 0,5 ha vườn ươm stump trần tại Phú Hộ. Các gốc ghép sinh trưởng tốt, chiều cao trung bình 120-150 cm, lượng gốc ghép đã đưa ra trồng thử nghiệm là gần 11 nghìn cây.
Kết quả khảo nghiệm trong 4-5 năm qua cho thấy cây cao-su có thể trồng được ở một số nơi thuộc các tỉnh miền núi phía bắc. Tuy nhiên để cây cao-su phát triển ổn định, các địa phương cần có quy hoạch đúng và cụ thể cho từng vùng trồng, chỉ nên trồng ở những nơi có độ cao dưới 600 m, ít gió, không có sương muối, đất có tầng dày trên 70 cm. Khi thiết kế trồng cần làm đường bình độ để chống xói mòn, đồng thời tạo thuận lợi cho chăm sóc và khai thác về sau. Bên cạnh đó cần chọn lọc những bộ giống có khả năng chịu rét, thích nghi với từng vùng miền núi. Thời gian trồng cao-su nên thực hiện vào đầu mùa mưa, cây giống phải được trồng đúng tuổi và nên trồng bằng stump bầu có tầng lá để tỷ lệ sống cao, chống chịu tốt với thời tiết vùng miền núi phía bắc. Ngoài ra, cần hạn chế sử dụng những giống mẫn cảm với nhiệt độ thấp, nhất là vùng có cao trình hơn 600 m.