Thị trường cao su thiên nhiên tiếp tục nóng lên. Giá lập đỉnh cao của 20 tháng tại thị trường Tokyo, với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2010 đạt 329,2 Yên/kg – mức cao chưa từng có kể từ ngày 1/8/2008.
Trên thị trường physical, giá cao su các loại của Thái Lan, Indonexia và Malaysia cũng lập kỷ lục cao trên 3 USD/kg bởi các hãng sản xuất lốp xe tích cực mua nguyên liệu vào trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Cao su RSS3 giá tăng lên 3,62 USD/kg, trong khi các loại SMRR20 giá 3,30 USD/kg, và loại SIR20 giá 1,48 USD/lb.
Dầu mỏ liên tiếp tăng giá khiến cho giá cao su thiên nhiên tăng theo. Dầu mỏ đã chạm mức 87 USD/thùng do dự báo kinh tế thế giới sẽ tiếp tục hồi phục mạnh.
Giá cao su physical đã từng đạt mức khoảng 3,3 USD/kg từ 58 năm trước đây, khi xảy ra Chiến tranh Triều Tiên. Vào tháng 3 năm nay, giá cao su đã quay trở lại mức này và khả năng sẽ còn tiếp tục tăng do cung giảm theo mùa.
Nhu cầu lúc này tương đối mạnh. Hàng trăm tấn cao su RSS3 của Thái Lan đã được bán cho các hãng sản xuất lốp xe với giá cao gần kỷ lục lịch sử, nhưng một số khách hàng ở Trung Quốc đã trở lại sử dụng nguồn cao su dự trữ khi thấy giá trên thị trường thế giới quá đắt.
Bridgestone Corp, hãng sản xuất lốp xe lớn nhất của Nhật, đã mua cao su RSS3 với giá 3,48 USD/kg vào tuần trước, kỳ hạn giao tháng 5, khi mà giá chào bán lên tới 3,50 USD/kg do nguồn cung ở Thái Lan – nước xuất khẩu lớn nhất thế giới – ở trong tình trạng rất khan hiếm.
Sản lượng cao su Thái Lan năm 2010 có thể chỉ đạt 3 triệu tấn, theo dự báo của Hiệp hội Cao su Thái Lan. Con số đó thấp hơn nhiều so với 3,15 triệu tấn đưa ra hồi tháng 1, do hạn hán nghiêm trọng. Sản lượng cao su Thái Lan năm 2009 là 3,4 triệu tấn.
Tuy nhiên, Bridgestone không mua nhiều vào lúc này. Hàng ngày họ đều mua cao su RSS3, nhưng chỉ với khối lượng nhỏ.
Khách hàng Trung Quốc thì mua cao su từ các kho dự trữ, với giá 3,30 USD/kg cho loại RSS3, rẻ hơn nhiều so với giá 3,52 mà các nhà sản xuất Thái Lan báo ra.
Dự trữ cao su của Trung Quốc giảm nhiều từ tháng 2 sau khi các hãng sản xuất của nước này từ chối mua hàng physical trên thị trường Đông Nam Á bởi giá cao, để quay sang mua tại kho.
Dự trữ cao su tại Sở giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải đã giảm 15% chỉ trong một tuần tính tới 2/4/2010, xuống chỉ 74.220 tấn, so với 98.883 tấn một tuần trước đó.
Các thương gia dự báo khách hàng Trung Quốc sẽ phải sớm quay trở lại thị trường physical bởi dự trữ ở Thượng hải sẽ không còn nhiều.
Giá cao su giao ngay đã tăng 20 % trong năm 2010 do giá dầu mỏ tăng đúng vào lúc thời tiết mùa đông ở Thái Lan, Indonexia và Malaysia làm giảm cung nguyên liệu.
Tại Indonexia, nước sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới, mùa đông cũng bắt đầu tới. Cao su SIR20 của Indonexia kỳ hạn giao tháng 5 – 6 đang được chào giá khoảng 3,24 – 3,26 USD/kg, song chưa thấy có thông tin nào về hợp đồng ký kết. Cao su SMRR20 của Malaysia được khách hàng Trung Quốc quan tâm.
Trung Quốc cũng rất ưa chuộng cao su Indonexia bởi giá rẻ nhất trong khu vực.
Năm 2008, giá cao su SIR20 của Indonexia có lúc đã lên tới 1,48 USD/lb, và năm nay rất có thể sẽ lặp lại kỷ lục đó.
Từ mấy tháng qua, giá cao su trên thị trường thế giới phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, từ 1 USD /kg hồi tháng 12/2008, giờ đây, 1kg cao su được bán với giá khoảng 3,5 USD. Dự báo xu hướng tăng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, bởi những yếu tố đang đẩy giá tăng lên sẽ còn nguyên tác dụng ít nhất trong vài tuần tới.
Theo dự báo, trong thời gian tới, giá cao su sẽ vẫn tiếp tục căng thẳng do ba yếu tố tạo nên. Trước hết, hầu hết các thương gia hoạt động ở các thị trường tài chính quốc tế đều khẳng định rằng chính nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc sẽ khiến cho giá cao su không thể giảm.
Kinh tế thế giới đang hồi phục nhanh, hứa hẹn nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng mạnh. Dự báo nhu cầu cho sản xuất săm lốp xe hơi của Trung Quốc tăng mạnh, vượt hẳn nhu cầu của Mỹ và Tây Âu. Năm 2000 chỉ có 500.000 xe ôtô mới được bán ra trên thị trường Trung Quốc, nhưng chín năm sau đó, con số này đã lên đến 14 triệu chiếc, tương đương với 56 triệu lốp xe được sản xuất.
Ngoài ra, trong khi nhu cầu mủ cao su tự nhiên tăng, thì diện tích những cánh rừng cao su lại bị thu hẹp. Thời kỳ Brazil "làm mưa, làm gió" trên thị trường cao su đã qua, giờ đây cái tên Manaus chỉ còn được nhắc đến trong truyền thuyết. Ngay cả địa danh Firestone nổi tiếng với những đồn điền cao su rộng lớn ở Liberia, giờ cũng chẳng hơn gì những cánh rừng hoang tàn.
Trong bối cảnh cung không đáp ứng được cầu như hiện nay, chỉ có một khu vực kiếm lời nhiều nhất, đó là châu Á. Hay nói đúng hơn là ba nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia, nơi tập trung gần 70% các đồn điền cao su trên toàn thế giới.
Ba nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới sẽ phải tìm cách đề phòng để cao su không bị rớt giá. Họ đang đề nghị Việt Nam gia nhập vào nhóm những nhà sản xuất cao su hàng đầu này, nhằm kiểm soát gần như 85% thị trường toàn cầu.
Về lâu dài, giá cao su sẽ tiếp tục được hậu thuận bởi sự biến đổi bất thường của khí hậu khiến cho các thời kỳ hạn hán xảy ra thường xuyên hơn với thời gian dài hơn. Yếu tố này sẽ khiến cho tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn hơn, làm hạn chế sản lượng cao su và từ đó giá cả sẽ cao hơn.
Dưới đây là một số dự báo cụ thể:
Giá cao su Thái Lan có thể đạt 120 Baht/kg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác Thái Lan, Supachai Phosu cho rằng cần phải tính tới các biện pháp ổn định giá cao su, bởi triển vọng mặt hàng này sẽ tăng giá tới mứ cao nhất của 111 năm.
Hiện trên thị trường physical, giá chào cao su RSS3 lên tới 3,62 USD/kg. Đây là kỷ lục cao chưa từng có. Giá cao su physical chỉ từng đạt mức khoảng 3,3 USD/kg từ 58 năm trước đây, khi xảy ra Chiến tranh Triều Tiên. Vào tháng 3 năm nay, giá cao su đã quay trở lại mức này và khả năng sẽ còn tiếp tục tăng do cung giảm theo mùa.
Ông Phosu cho biết giá cao su đã liên tục tăng từ mức 40 Baht/kg tháng 1/2009 lên 105 Baht/kg hiện nay, và với những yếu tố thuận lợi như lúc này (kinh tế thế giới hồi phục, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ như cấp 8 tỷ Baht để thu mua cao su từ dân trong giai đoạn giá giảm để bình ổn giá), triển vọng giá sẽ còn tăng nữa, có thể đạt 120 Baht/kg trong tương lai không xa.
Giá cao su Indonexia sẽ tiếp tục cao
Chủ tịch Hiệp hội Cao su Indonexia, Asril Sutan Amir, dự báo giá cao su thiên nhiên của nước này sẽ tiếp tục ở mức trên 3 USD/kg do nguồn cung tiếp tục giảm ở các nước sản xuất chính. Hiện cao su xuất xứ này có giá khoảng 3,2 USD/kg.
Ông Amir cho biết mưa từ đầu năm nay sẽ làm giảm mạnh sản lượng của cả 3 nước sản xuất lớn nhất thế giới là Thái lan, Indonexia và Malaysia.
Sản lượng cao su Indonexia năm nay sẽ giảm từ 2,8 triệu tấn xuống 2,4 triệu tấn, trong khi của Malaysia sẽ giảm từ 1,1 triệu tấn xuống 800.000 tấn. Sản lượng của Thái Lan cũng sẽ giảm từ 3,4 triệu tấn xuống 3 triệu tấn, và của Việt Nam – thành viên mới của Uỷ ban Cao su Ba bên Quốc tế - sẽ giảm từ 800.000 tấn xuống 700.000 tấn. Nguồn cung cao su toàn cầu năm nay sẽ ở trong tình trạng rất khan hiếm. Năm 2009, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới đã giảm 5,1%.
Hạn hán sẽ đẩy giá cao su Trung Quốc tăng lên
Giá cao su kỳ hạn tại Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục tăng lên do hạn hán ở nhiều khu vực của nước này.
Tại Sàn giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn đã tăng 4,27% lên 24.675 NDT/tấn do lo ngại hnj hán ở khu vực tây nam sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới sản lượng cao su quốc gia.
Ngành ô tô Trung Quốc đang tăng trưởng rất mạnh, đẩy nhu cầu cao su tăng theo. Trong khi đó, dự trữ cao su thiên nhiên tại nước này liên tục giảm. Hạn hán sẽ khiến cho thị trường càng thêm khan hiếm. Trung Quốc phải nhập khẩu 75% nhu cầu cao su thiên nhiên.
Hiẹn việc thu hoạch mủ cao su đang bắt đầu ở các khu vực sản xuất chính của nước này, và đến cuối tháng 4 cao su vụ mới sẽ có mặt trên thị trường. Tình trạng khan hiếm dự báo sẽ kéo dài từ tháng 4 tới hết tháng 5 tới.
Giá cao su thiên nhiên ngày 7/4/2010:
Loại | Giá |
Tokyo, T9 | 329,2 Yên/kg |
Thai RSS3 (T5) | 3,62 USD/kg |
Thai STR20 (T5) | 3,45 USD/kg |
Malaysia SMR20 (T5) | 3,30 USD/kg |
Indonesia SIR20 (T5) | 1,48 USD/lb |
Thai USS3 | 110 baht/kg |
Thai 60-percent latex (drums, T5) | 2.400 USD/tấn |
Thai 60-percent latex (bulk, T5) | 2.300 USD/tấn |