Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
An ninh lương thực: Lung lay ngay khâu then chốt
14 | 07 | 2011
Yếu tố giống lúa được xem như giải pháp then chốt nhưng lĩnh vực sản xuất, quản lý lúa giống ở VN nói chung, ĐBSCL nói riêng còn rất sơ khai.

Trước những khó khăn về biến đổi khí hậu, suy kiệt nguồn tài nguyên đất và nước cũng như thu hẹp diện tích sản xuất do nhu cầu đô thị hóa, sản xuất lúa, lương thực còn bị áp lực ngày càng cao của sự gia tăng dân số và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vì thế, yếu tố giống lúa được xem như giải pháp then chốt trong chiến lược đảm bảo an ninh lương thực. Tuy đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng lĩnh vực sản xuất, quản lý lúa giống ở VN nói chung, ĐBSCL nói riêng còn rất sơ khai.

Thế giới trước nhu cầu giống lúa

PGS-TS Dương Văn Chín - Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - nhấn mạnh: Nhiều quốc gia trên thế giới đối mặt với nạn khủng hoảng lương thực. Theo dự báo của FAO, đến năm 2050 phải cần tăng thêm 70% sản lượng so với hiện nay. Tuy nhiên, FAO cũng cảnh báo rằng, khả năng tăng sản lượng bằng con đường mở rộng diện tích là rất thấp (khoảng 10%). Vì vậy chủ yếu nhất vẫn là trông chờ vào giải pháp gia tăng năng suất (trên 80%) và tăng vụ (khoảng 10%).

Theo các công trình nghiên cứu quốc tế, việc sử dụng giống lúa có chứng chỉ cấp xác nhận sẽ giúp tăng năng suất từ 8-10%. GS-TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam - cho rằng: VN đã đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo chủ yếu nhờ vào sự đột phá về giống lúa. Thực tế giai đoạn 1986-2008 cho thấy, VN tăng trung bình 1,03 triệu tấn thóc/năm, tương ứng với tăng năng suất 0,11 tấn/năm, sản lượng thóc tăng đến 142%, nhưng diện tích trồng lúa chỉ tăng 30%.

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Phước Tuyên (Sở NNPTNT Đồng Tháp), biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang đặt ra cho ĐBSCL nhu cầu mới về giống lúa: Trường hợp nhiệt độ tối thiểu gia tăng thêm 1oC sẽ làm năng suất lúa giảm 10% và nếu gia tăng nhiệt độ chỉ vài độ trên bình thường trong vài ba ngày ở thời kỳ ra hoa, thụ phấn ở lúa, lúa mì... làm giảm năng suất rất trầm trọng.

Cần sự đột phá

Sau 20 năm XK gạo (1989-2009), VN đạt tốc độ tăng trưởng 435,71% (1,4 -6,1 triệu tấn) và đảm bảo hơn 20% trong tổng số 31 triệu tấn nhu cầu thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất, cung ứng lúa giống ở VN nói chung, ĐBSCL nói riêng đã và đang chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn: Vừa yếu, vừa thiếu.

PGS-TS Phạm Văn Dư - Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT - nhận xét: “Việc sử dụng giống kém chất lượng còn khá phổ biến và chiếm tỉ lệ khá cao”. Số liệu của Cục Trồng trọt cho thấy, hệ thống sản xuất giống lúa ở ĐBSCL chỉ cung ứng tối đa khoảng 30% giống lúa xác nhận theo nhu cầu. Thêm nữa, toàn vùng ĐBSCL và TPHCM chỉ có 4 tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng và trong số hàng ngàn đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất giống chỉ có 26 đơn vị đăng ký chứng nhận chất lượng. ThS Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt) bức xúc: “Hiện nay giống lúa đưa vào sản xuất qua 2 kênh chính: Cơ sở kinh doanh và nông dân tự để dành giống, nhưng cả hai kênh này đều rất kém về kiểm định, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng”.

Thử tìm giải pháp

“Gia tăng phẩm chất lúa gạo được hiểu theo 2 nội dung lớn: Phẩm chất thương mại và phẩm chất dinh dưỡng” – GS-TS Bùi Chí Bửu nhấn mạnh. “Hãy dành cơ hội cho công nghệ sinh học phát triển một cách thuận lợi”. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này cần có sự đột phá lớn về cơ chế chính sách.

Khả năng chỉ có các Cty kinh doanh giống mới có thể mua bản quyền giống lúa. Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất, cung ứng giống chủ yếu là trung tấm giống hoặc trung tâm khuyến nông. Các đơn vị này hoạt động theo phương thức “sự nghiệp có thu” nên không thể có đủ kinh phí để mua bản quyền giống. Mà nếu Nhà nước cấp tiền thì lại vướng rào cản pháp lý”. Vì thế theo TS Tiền, tới đây cơ quan chức năng cần nghiên cứu, cho phép các trung tâm giống chuyển đổi thành đơn vị kinh doanh để chủ động trong việc xác lập mối quan hệ hài hoà lợi ích giữa đơn vị nghiên cứu và đơn vị kinh doanh giống lúa.

PGS-TS Dương Văn Chín mạnh dạn đề xuất: “Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, lai tạo các giống lúa mới chất lượng, chúng ta cần có chủ trương chọn ra giống thật đặc sắc phù hợp với nền đất phù sa dọc sông Tiền, sông Hậu để sản xuất trên quy mô 100.000ha để có được 500.000 tấn gạo cao cấp, đồng nhất, ổn định mà xây dựng thương hiệu gạo điển hình cho cường quốc lúa gạo Việt Nam.

Theo Lục Tùng

Lao Động



Báo cáo phân tích thị trường