Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Tiếp sức” cho ngành dịch vụ phân phối của Việt Nam
24 | 11 | 2008
Ngày 21/11, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo công bố chương trình nâng cao năng lực cho ngành dịch vụ phân phối của Việt Nam giai đoạn 2008- 2012. Đây là dự án khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh của các DN trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và đại lý nhằm đưa ra các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp khi mở cửa thị trường theo cam kết gia nhập WTO.

Dự án đã điều tra, khảo sát và lấy ý kiến của gần 600 DN trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và đại lý; 50 nhà quản lý và các Sở Thương mại tại 5 tỉnh, phố lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương. Kết quả của dự án là bức tranh bao quát về hệ thống dịch vụ phân phối (DVPP) của Việt Nam hiện nay, là tư liệu quý báu để các cơ quan quản lý và các DN tham khảo.

Qua khảo sát cho thấy, các DN Việt Nam trong lĩnh vực DVPP có thế mạnh chủ yếu về môi trường văn hóa, tập quán, thói quen, ngôn ngữ; được sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế chính sách, thông tin, tư vấn pháp luật, đào tạo bồi dưỡng nhân lực; khả năng linh hoạt trong việc thay đổi mục tiêu chiến lược, kế hoạch, đối tượng, phương án, phương thức kinh doanh; nhiều DN bán lẻ chiếm được vị trí, địa điểm kinh doanh tốt; năng lực lãnh đao và trình độ quản trị kinh doanh ngày càng được nâng cao cùng với đội ngũ doanh nhân trẻ; tiền lương thấp một cách trung bình tuyệt đối… Đó là những ưu thế của DN Việt Nam trong “cuộc chiến” với các DN nước ngoài sắp đổ bộ vào thị trường Việt Nam từ ngày 1/1/2009.

Tuy nhiên, dự án cũng đánh giá, đến nay khả năng cạnh tranh của hầu hết các DN DVPP Việt Nam, đặc biệt là các DN bán lẻ và đại lý còn thiếu và yếu, chưa chuyên nghiệp, thiếu kinh phí hỗ trợ và hiệu quả hỗ trợ thấp; thương hiệu của các DN DVPP chưa được khẳng định. Đến 60- 70% DN chưa chú ý hoặc chưa biết cách để phát triển, giữ gìn, bảo vệ thương hiệu của mình. Trong khi đó, diện tích kinh doanh lại quá nhỏ hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu. Đặc biệt, đến 80% DN khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp; khả năng quản trị kinh doanh, dự báo, dự đoán thay đổi thị trường còn hạn chế; không đủ khả năng áp dụng phương thức tạo nguồn hàng vững chắc... Ngoài ra, những vấn đề như thiếu minh bạch, nhũng nhiễu, tham ô, hối lộ cũng làm tăng chi phí kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, cho biết, với quy mô dân số gần 90 triệu người, doanh số bán lẻ có thể tăng lên 2 tỉ USD mỗi năm. Trong khi hệ thống bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 10%, Việt Nam đang là một trong những thị trường hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ, phân phối. Vì thế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong lĩnh vực dịch vụ- phân phối là việc làm cấp bách và quan trọng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn- nhóm tư vấn nghiên cứu dự án: Từ thực lực của DN Việt Nam, dự án tập trung vào hai tiêu chí: xây dựng chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của chính các DN.

Dự án đưa ra các chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành DVPP Việt Nam, đó là những chương trình “Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực”, “Hỗ trợ thành lập DN” và “Hỗ trợ phát triển liên kết bền vững ngành DVPP”.



Nguồn: Báo Công Thương
Báo cáo phân tích thị trường