Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chấm dứt nạn tranh mua mía nguyên liệu
04 | 03 | 2011
Chỉ trong 8 ngày (từ 29-1 đến 4-2) 100 ha đã thiêu rụi với hơn 7.000 tấn mía, thiệt hại không dưới 6 tỷ đồng.

Từ trước Tết Tân Mão, tại vùng trọng điểm mía tỉnh Gia Lai gồm các huyện Phú Thiện, Ia Pa, thị xã Ayun Pa... liên tục xảy ra nhiều vụ cháy mía mà nguyên nhân phần nhiều do bị kẻ xấu đốt.

Chỉ trong 8 ngày (từ 29-1 đến 4-2) 100 ha đã thiêu rụi với hơn 7.000 tấn mía, thiệt hại không dưới 6 tỷ đồng. Cả doanh nghiệp lẫn người trồng đều có chung ý kiến rằng cháy mía vừa qua rất bất thường, có đối tượng xấu phá hoại. Theo người dân, một số lái buôn xúi giục, mua chuộc các đối tượng xấu đốt mía của dân hòng gây tâm lý hoang mang, buộc dân phá bỏ hợp đồng với nhà máy để bán mía cho họ với giá thấp. Đã có nhiều hộ phá bỏ hợp đồng với nhà máy sở tại để lén chặt mía bán cho nhà máy đường ở địa phương khác. Riêng từ đầu vụ ép 2009 - 2010 đến nay đã có hơn 300 xe ô-tô tải chuyển mía bán ra ngoài vùng với tổng sản lượng hơn 10.000 tấn. Mỗi ngày hàng chục 'đầu nậu' từ các tỉnh lân cận tỏa xuống các xã Ia Sol, Ia Peng, Ia Hiao (Phú Thiện) và Pờ Tó ( Ia Pa)... gạ gẫm người dân mua diện tích mía mới trồng được vài tháng chưa đến tuổi thu hoạch (mía non).

Trước tình hình này, ngày 11-1-2010 Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối ( Bộ NN và PTNT) đã có Công văn số 13/CB-NS yêu cầu các nhà máy đường không được thu mua mía tại vùng nguyên liệu mà nhà máy khác đã đầu tư. Tiếp đó, ngày 12-1-2010 Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có Công văn số 4889/VP-HH yêu cầu các nhà máy đường chấm dứt ngay tình trạng tranh mua mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, bất chấp những 'lệnh cấm' này, các nhà máy đường khu vực vẫn tiếp tục thu mua.

Việc các nhà máy đường trong khu vực thường xuyên tranh mua mía nguyên liệu đã được doanh nghiệp đầu tư cho nông dân trồng là vi phạm hoàn toàn với các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường. Việc tranh mua mía không chỉ khiến nhà máy sở tại thiếu nguyên liệu mà còn dẫn đến tình trạng người trồng mía tự phá vỡ hợp đồng thu mua nguyên liệu theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg, người dân nợ không chịu trả tiền do nhà máy đã đầu tư bỏ ra cho người dân ứng trước. Đặc biệt, mối nguy hại lớn nhất hiện nay là sự tranh mua này còn là cơ hội để các đối tượng xấu kích động người dân bán mía non thậm chí phá hoại ruộng mía của người dân. Những diễn biến phức tạp trong những ngày vừa qua ở vùng nguyên liệu mía Gia Lai đang rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường, cũng như chính quyền địa phương và cả những đơn vị đang kinh doanh ngành mía đường trong khu vực.

 



Theo Báo Nhân dân
Báo cáo phân tích thị trường