Trong báo cáo tuần từ 18-1 đến 7-2-2014 phát hành ngày 11/2/2014 vừa qua, VSSA cũng kiến nghị Bộ Công Thương không nên ấn định mốc thời gian kết thúc xuất khẩu vì dễ bị bên mua lạm dụng để ép giá khi gần hết thời gian xuất khẩu.
VSSA cũng cho rằng cơ quan quản lý cần hạn chế cấp phép tạm nhập tái xuất đối với đường tại các cửa khẩu mà hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu đường, nhất là các cửa khẩu biên giới phía Bắc tại Lào Cai.
Trong 200.000 tấn đường mà Bộ Công Thương cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu trước ngày 30-6 chủ yếu là loại đường trắng RS; còn đường RE (đường tinh luyện) dùng cho ngành sản xuất bánh kẹo, nước giải khát và các mặt hàng thực phẩm khác không nằm trong hạn ngạch xuất khẩu này. Vì thế, VSSA cho rằng, cơ quan quản lý không nên phân biệt đường RE hay RS khi cho phép xuất khẩu, tránh hiện tượng doanh nghiệp buộc phải tạm trữ đường RE hoặc tìm cách tạm trữ nguyên liệu để sản xuất đường RE, dẫn tới sự không công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đường hiện nay.
Theo VSSA, hiện cả nước có 41 nhà máy đường nhưng trong đó chỉ có khoảng 10 nhà máy sản xuất được đường tinh luyện RE. Năm 2014 ước tính cả nước tiêu thụ khoảng 1,45 triệu tấn đường và trong vụ mía đường 2013/2014 các nhà máy sẽ sản xuất khoảng 1,5 -1,6 triệu tấn. Về lý thuyết, lượng đường sản xuất trong nước đã đủ đáp ứng nhu cầu thị trường song thực tế trên thị trường đường luôn có tình trạng cung vượt cầu, kéo giá xuống do mỗi năm có vài trăm ngàn tấn đường được nhập lậu vào Việt Nam. Dự báo trong năm nay, tình trạng này vẫn còn tiếp tục diễn ra.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn