Số liệu báo cáo của VSSA cho thấy, tính đến ngày 10-2, lượng đường tồn kho lên đến 335.000 tấn, trong đó tồn ở các nhà máy đường khoảng 310.000 tấn, tại các công ty thương mại khoảng 25.000 tấn. So với cùng kỳ năm 2016, lượng đường tồn kho cao hơn khoảng 100.000 tấn.
Tuy lượng đường tồn kho tăng hơn năm trước, nhưng chưa có áp lực lên giá bán như đã từng thấy ở những năm trước. Đơn cử như thời điểm tháng 9-2014, lượng đường tồn cả nước ở mức 350.000 tấn, đã tạo áp lực giảm giá đường bán ra của các nhà máy đến vài trăm đồng/kg.Giá đường trên thị trường được dự báo sẽ vẫn ổn định trong thời gian tới, đồng nghĩa với đó là giá mua mía nguyên liệu của các nhà máy sẽ không có biến động. Lượng đường tồn kho trong nước tăng một phần do đường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc trong nhiều tháng qua gần như không xuất được.
Lý giải vấn đề này, VSSA cho biết, trong năm 2016 do ảnh hưởng của hạn hán nên sản lượng mía của các địa phương bị ảnh hưởng, đặc biệt là chữ đường (CCS) cũng giảm.Cụ thể, theo phản ánh của các nhà máy đường với VSSA, chất lượng mía nguyên liệu vụ mía 2016/2017 giảm hơn vụ mía trước khi chữ đường tại các tỉnh miền Trung,Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL đều dưới 10 CCS, nhiều trường hợp dưới 9 CCS. Do đặc tính của ngành đường là sản xuất vài tháng nhưng tiêu dùng cho cả năm, nên lượng đường tồn kho cao vào thời điểm này chỉ tạm thời, chưa tạo áp lực để giá đường trên thị trường phải giảm. Giá đường bán buôn trên thị trường vào đầu tháng 2-2017 dao động từ 16.400-17.100 đồng/kg
Theo VSSA, giá đường trong nước ổn định sẽ giúp người trồng mía bán được mía nguyên liệu ổn định hơn. Hiện giá mua mía nguyên liệu của các nhà máy dao động từ 900.000 đến 1.100.000 đồng/tấn, tùy theo từng địa phương.So với vụ trước, giá mua mía nguyên liệu vụ mía năm nay cao hơn từ 50.000 đến 100.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, do chữ đường thấp hơn nên thu nhập nông dân trồng mía cũng thấp hơn khoảng 50.000 đồng/tấn.