Bỏ mía vì... thua lỗ
Cù Lao Dung (Sóc Trăng) là một trong những huyện có diện tích mía nguyên liệu nhiều nhất ở ĐBSCL, hiện nay đang vào vụ thu hoạch nhưng nông dân không vui vì giá mía thấp quá. Anh Phạm Văn Mẫn, chủ 15 công mía ở xã Đại Ân 1, chua chát: “Đây là năm thứ 2 liên tiếp bị lỗ mía. Nếu như năm rồi mía gần đến kỳ thu hoạch thì bị triều cường làm vỡ đê, nước ngập gần 1m, khiến năng suất và chữ đường giảm mạnh gây thiệt hại lớn.
Năm nay, thương lái mua giá quá thấp chỉ 850 - 890 đồng/kg (loại mía đạt 10 chữ đường), nếu chữ đường thấp hơn thì giá sẽ giảm theo. Với tình hình này, sau gần 1 năm vất vả chăm sóc mía, nông dân chỉ từ hòa tới lỗ”. Lỗ mía khiến gia đình anh Mẫn “ôm nợ”, nên vợ chồng nói lời chia tay với cây mía và kéo nhau lên Bình Dương làm thuê kiếm sống.
Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, nhìn nhận đến nay đã có hơn 600ha/8.200ha mía được thu hoạch. Song điều đáng buồn là hầu hết bà con không thu được lợi nhuận bao nhiêu. Riêng những hộ canh tác chỉ 100 - 120 tấn/ha là cầm chắc lỗ nặng. Vì vậy, sau vụ này nhiều nông dân bỏ cây mía là điều khó tránh khỏi.
Tại huyện Phụng Hiệp, vùng mía trọng điểm của tỉnh Hậu Giang, hiện nhiều nông dân cũng ngán ngẩm với cây mía. Chị Nguyễn Thị Kim Pha, ấp Phương An, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, thở dài: “Dân xứ này mỗi năm chỉ canh tác một vụ mía. Hàng trăm thứ chi tiêu trong gia đình như con cái học hành, mua sắm, đau bệnh… đều trông vào cây mía. Thế nhưng, chờ đến kỳ thu hoạch thì lại bán lỗ nên nông dân cứ nghèo hoài”.
Ông Nguyễn Văn Chinh, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho rằng cây mía bây giờ không còn “ngọt” nên ai cũng uể oải.
Cái khó là nông dân trồng mía nhưng không quyết định được giá bán vì phụ thuộc vào thương lái nên luôn bị thua thiệt. Thế là nhiều hộ bỏ mía để trồng cây khác. Tại Long An, Trà Vinh, Cà Mau… nông dân trồng mía cũng liên tục thua trắng bởi giá cả sụt giảm.
Cứu nông dân cách nào?
Trước thực trạng nông dân ĐBSCL ùn ùn bỏ trồng mía đã khiến các ngành chức năng lo ngại. Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), lo lắng: “Vụ mới này toàn huyện dự kiến chỉ giảm khoảng 280ha mía, nhưng hiện xã Phương Phú đã đăng ký giảm tới 500ha. Tuy nhiên, quan điểm của huyện là không thể giảm ào ạt cùng lúc, mà cần có lộ trình nhằm tránh xảy ra chuyện “trồng - chặt” tràn lan.
Chủ trương là chỉ giảm đất trồng mía ở những nơi không hiệu quả. Nếu vùng trũng thì chuyển sang làm lúa, vùng đất cao thì trồng cây ăn trái, nhưng trước mắt trồng rau màu để “lấy ngắn nuôi dài”, do nông dân luôn thiếu vốn”.
Theo ông Nguyễn Thế Tự, về lâu dài phải cố gắng giữ 5.000ha mía bởi đây là cây thế mạnh của Phụng Hiệp. Song chúng ta phải mạnh dạn thay đổi cách làm và đầu tư nhiều hơn về cơ giới hóa, chọn giống tốt, áp dụng hình thức trồng mía lưu gốc nhằm giảm chi phí giá thành; thời điểm đầu vụ cần tính toán trồng xen cây màu giúp nông dân tăng thu nhập… Phải làm đồng bộ thì người trồng mía mới sống được từ cây mía.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết cây mía đang bị cây chanh tấn công quyết liệt. Nếu như trồng mía chỉ từ hòa đến lỗ thì cây chanh đang lên đời với lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng/ha.
Dù vậy, tỉnh vẫn nỗ lực giữ 13.000ha mía ở các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa… phục vụ cho 2 nhà máy đường ở địa phương hoạt động. Làm được điều này, cần chuyển đổi hình thức từ sản xuất nhỏ lẻ hiện nay sang hình thành tổ hợp tác để thuận lợi trong đầu tư giống, kỹ thuật, quy hoạch bờ vùng, đê bao. Đồng thời khâu thu hoạch, vận chuyển… thuận lợi sẽ giảm được chi phí giá thành. Nếu làm được như vậy hy vọng đời sống nông dân trồng mía sẽ cải thiện.
Cùng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương trong việc giữ cây mía, các nhà máy có trách nhiệm hơn trong hợp đồng bao tiêu và tiêu thụ mía dễ dàng cho nông dân… thì vấn đề quan trọng là giữ giá đường sao cho hợp lý, bởi giá đường có ổn định thì nhà máy mới mua mía cho dân cao được. Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện đường sản xuất trong nước đã vượt nhu cầu tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn mỗi năm.
Do đó, ngành chức năng cần tính toán phương pháp xuất khẩu đường hợp lý; tăng cường chống đường nhập lậu một cách hiệu quả, đồng thời xem xét có nên “nhập đường” trong hoàn cảnh thừa đường như hiện nay hay không. Ngành mía đường đang cần sự điều phối cung - cầu một cách hợp lý thì mới mong thoát khỏi tình cảnh khốn khó hiện nay. Có như vậy, nông dân mới an tâm quay lại với cây mía.