Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: lại thừa mía
02 | 07 | 2007
Người trồng mía ở ĐBSCL lại đang lao đao do giá mía giảm từ 380.000 đồng/tấn xuống chỉ còn 260.000 đồng/tấn nhưng vẫn khó bán. Mới ngày nào họ còn hăm hở trồng mía thì nay như đang ngồi trên lửa. Lời cảnh báo thừa mía đã thành sự thật.

Ngồi... trên lửa!

Không còn cảnh các nhà máy đường hoặc thương lái ở ĐBSCL tranh nhau mua mía của dân. Tại Hậu Giang, nhiều người dân trồng mía cho biết mía đã quá thời kỳ thu hoạch, trổ cờ và chết dần. Ông Hà Văn Nước (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết: “Mía trổ cờ trắng xóa hơn nửa tháng rồi, thương lái chỉ trả có 220.000 đồng/tấn. Đầu vụ mía có người còn bán được 380.000 đồng/tấn, ai ngờ giá rớt mạnh”.

Tình cảnh này cũng xảy ra tại các ruộng mía ở Hậu Giang, Sóc Trăng. Đi sâu vào vùng nguyên liệu mía ở xã Hưng Phú, Long Hưng... của huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), nơi đâu cũng thấy những rẫy mía sắp “chết đứng” dưới trời nắng nóng. Trên 3.300ha mía của huyện hiện chỉ mới thu hoạch được khoảng 1.500ha. Những rẫy mía chưa đốn đã chín quá lứa và trổ cờ trắng xóa giống như một rừng lau đang chết khô.

Vài tháng trước khi mía được giá, nông dân đổ xô bán mía non, nhiều nhà máy đường đã khuyến cáo nông dân nên chờ mía chín, chữ đường cao để bán được giá hơn. Thế nhưng khi nông dân neo lại thêm khoảng hai tháng, chữ đường không tăng mà còn giảm.

Nhiều nhà máy đường và thương lái cho rằng mía ở vùng này bị ngập nước trong một thời gian dài và thu hoạch trong lúc mía trổ cờ dẫn đến chữ đường thấp nên đồng loạt ép giá nông dân. Ông Trần Quốc An ở ấp Mỹ Khánh, xã Long Hưng (Mỹ Tú, Sóc Trăng) than thở: “Nếu không ai chịu mua thì vài ngày nữa mía ở đây sẽ chết khô hết. Hiện nay nhà nào trồng mía cũng nợ như “chúa chổm” vì chưa bán được mía”.

Theo ông Lê Thế Tự - phó Phòng Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, với giá mía thương lái đang mua cao nhất là 280.000 đồng/tấn, thấp nhất 220.000 đồng/tấn thì nông dân không có lãi, thậm chí có người còn bị lỗ.

Mía trổ cờ

Theo ông Trịnh Minh Châu - quyền giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng: “Vụ này diện tích mía cả vùng ĐBSCL tăng thêm gần 20% so với năm trước, trong khi các nhà máy không tăng công suất ép dẫn đến thừa nguyên liệu cục bộ, thương lái ép giá nông dân là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhà máy vẫn mua đủ mía của những hộ đã ký hợp đồng với nhà máy theo giá mua là 380.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường. Hộ nào không ký hợp đồng tiêu thụ thì công ty mua thấp hơn 10.000 đồng/tấn nhưng số lượng mua rất hạn chế vì công suất của nhà máy có hạn, chỉ có 2.200 tấn mía/ngày”.

Ông Phạm Quang Vinh - giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp - cho biết vụ mía năm 2006 nhà máy chỉ hợp đồng bao tiêu mía ở hai vùng nguyên liệu chính là Phụng Hiệp và Tân Hiệp (Hậu Giang) với số lượng 230.700 tấn, chiếm không quá 1/3 số lượng mía dân trồng trong vùng này. “Hiện nay nhà máy đã chạy hết công suất. Chúng tôi cố gắng đến cuối tháng mười hai sẽ mua hết lượng mía của dân có hợp đồng với nhà máy. Còn lượng mía không ký hợp đồng bao tiêu thì khó mà tiêu thụ hết được” - ông Vinh nói.

Không như các năm trước, năm nay đa số nhà máy đường đã chủ động được vùng nguyên liệu, thông qua các hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm đã ký với nông dân trồng mía trong vùng qui hoạch nguyên liệu của nhà máy nên ít mua mía ở các vùng khác. Do vậy những nông dân đã lỡ trồng mía nhưng không nằm trong vùng nguyên liệu của nhà máy đường sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nông dân trồng mía đang rối vì mía đã 11-12 tháng tuổi và bị trổ cờ, chữ đường ngày càng giảm, lại bị ngập nước nên chết nhiều trong khi tiến độ thu mua rất chậm.



NGỌC DIỆN - TẤN THÁI
Báo cáo phân tích thị trường