Toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 90% số diện tích trong tổng số 19.838ha. Các diện tích còn lại tập trung ở các nơi như: An Xuân, An Lĩnh, An Thọ (huyện Tuy An), Xuân Thọ 1 (TX.Sông Cầu) và một phần ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Cả ngàn hécta mía vẫn còn đứng trên đồng không thu hoạch kịp và khô dần, làm giảm năng suất đáng kể.
Thường thì sau đợt nắng nóng kéo dài, mưa dông sẽ xảy ra ở các xã miền núi, nếu không thu hoạch kịp thời, nông dân sẽ bị thiệt hại nặng. Bởi cây mía gặp mưa bị mất chữ đường và người dân sẽ không có đất để kịp sản xuất vụ mía mới. Ông Lê Văn Trường - nông dân thôn Xuân Thành, xã An Xuân (huyện Tuy An) - bức xúc: “Sản xuất ra cây mía đã vất vả đến khi thu hoạch bán lại vất vả hơn do không có xe đến chở. Chúng tôi đã nhiều lần đi xin phiếu đốn mía ở nhà máy, nhưng vẫn không có. Người dân như đang ngồi trên lửa vì nắng nóng và mía khô, gây nguy cơ cháy tại các rẫy mía”.
An Xuân là xã có diện tích trồng mía lớn nhất của huyện Tuy An với hơn 311ha mía. Tuy nhiên, đến nay diện tích thu hoạch mới chỉ hơn phân nửa diện tích mía đứng tại xã. Đây là vùng nguyên liệu được UBND tỉnh phân định cho Cty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam (100% vốn Ấn Độ) quản lý, đầu tư, thu mua.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Thanh Sơn - Chủ tịch UBND xã An Xuân - việc thu mua mía của Cty này lâu nay rất ỳ ạch, không điều xe về đủ để chở mía. Do mía đã chín kéo dài, trong khi việc thu hoạch mía quá khó khăn, nhiều nông dân An Xuân kêu trời, đành bấm bụng phá bỏ mía hoặc chuyển từ đất mía sang trồng các loại cây khác, nhất là cây sắn. Điều này gây phá vỡ quy hoạch các vùng nguyên liệu cây trồng trên địa bàn huyện Tuy An.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh vừa có văn bản khẩn cấp yêu cầu các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh thu mua mía kịp thời cho nông dân. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Cty cổ phần mía đường Tuy Hòa, Cty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam cần rà soát nắm vững diện tích mía hiện còn chưa thu hoạch trong vùng nguyên liệu mía của Cty, để có kế hoạch thu mua kịp thời, nhất là những diện tích mía chín đã đến thời kỳ thu hoạch.
Các nhà máy đường cần chạy hết công suất tối đa và duy trì hoạt động liên tục (trừ trường hợp bất khả kháng phải dừng hoạt động), nhằm tăng mức tiêu thụ lượng mía cây trong ngày để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người trồng mía. Các Cty cần phải giữ nguyên giá mua mía nguyên liệu khi giá đường thị trường giảm và kịp thời điều chỉnh tăng giá mua mía khi giá đường thị trường tăng; thông báo rộng rãi, kịp thời cho các cấp chính quyền và người trồng mía biết để nông dân yên tâm, giảm áp lực cho nhà máy trong thời vụ thu hoạch.