Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngọt ngào sắc tím mía Cao Phong
22 | 06 | 2011
Không chỉ phù hợp với đất bãi, cây mía tím còn được đưa lên đồi tại một số xã vùng cao Bình Thanh, Thung Nai, Yên Lập, Yên Thượng, Bắc Phong, Nam Phong… của huyện Cao Phong (Hòa Bình). Giờ đây, Cao Phong đang hình thành vùng chuyên canh mía ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hàng ngàn hộ dân.
Đưa mía lên đồi
Theo Nghị quyết số 405/QĐ - UBND ngày 23/5/2006 của UBND huyện Cao Phong, mía là một trong những cây trồng chủ lực. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tích cực vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng mía. Nếu năm 2005, toàn huyện chỉ có 1.414ha mía, thì đến nay, sau hơn 5 năm, diện tích mía đã phát triển lên 2.492ha.
Chúng tôi đến Cao Phong đúng dịp mía đang thời kỳ phát triển rộ. Vụ này được nắng, mía Cao Phong dự báo sẽ được mùa hơn những năm trước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Duy Thích, Chủ tịch UBND xã Nam Phong cho biết: "Bà con trong xã đã "đưa mía lên đồi" từ hàng chục năm nay và thực tế đã chứng minh, mía phù hợp với đồng đất Nam Phong, kể cả ở diện tích đất có độ dốc vừa phải, mía vẫn phát triển tốt. Giờ đây, vùng có diện tích mía lớn nhất của xã lại là các xóm đặc biệt khó khăn như Đúc, Ong 1, Ong 2, Trẹo Trong, Trẹo Ngoài với tổng diện tích trên 100ha. Riêng xóm Ong 1 có 56 hộ thì cả 56 hộ đều trồng mía, nhiều hộ có thu nhập cao nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như ông Đinh Đức Bân ở xóm Ong 1, chỉ với 7.000m2 mía tím vụ vừa qua đã thu trên 400 triệu đồng".
Anh Đinh Thanh Hòa, chủ nhân ruộng mía rộng hơn 3.000m2 ở xã Bình Thanh hồ hởi nói: "Có nắng ên là tan biến âu lo rồi. Đa phần các ruộng đều được thương lái đặt mua từ trước. Đến mùa thu hoạch, cả xã phơi phới chặt mía đổi công cho kịp hẹn với thương nhân".
"Cách đây chừng 15 năm, một số hộ trong xã Nam Phong đã tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía tím. Bén rễ trên đồng đất Nam Phong, mía tím cho lợi nhuận cao không ngờ. Kể từ đấy, phát triển và khai thác thế mạnh của mía tím đã được xây dựng thành nghị quyết hàng năm của Đảng bộ xã", ông Bùi Xuân Tươi, Bí thư Đảng uỷ xã Nam Phong nhớ lại.
Đổi sắc
Không chỉ ở Nam Phong, hầu hết các xã miền núi của huyện Cao Phong đều thay da đổi thịt nhờ mía. Hiện, trên 90% số hộ trong huyện đã chuyển sang trồng mía. Chỉ với diện tích khoảng 2.000 - 3000m2/hộ, người trồng mía cầm chắc số lãi 15 - 20 triệu đồng/vụ.
"Cây mía đã giúp không ít hộ nghèo như tôi có dịp mở mày, mở mặt". Đó là lời bộc bạch chân thành của anh Đinh Văn Lâm ở xã Nam Phong. Còn với đảng viên Hoàng Văn Bơn ở xóm Bái Thoáng (xã Yên Thượng), việc đưa cây mía ngược đồi dốc không phải là chuyện quá xa vời. Hàng chục năm qua, ông kiên trì khai phá đất trống đồi trọc làm nên đồi mía bạt ngàn và mở mang trang trại chăn nuôi. Từ khó khăn, nhọc nhằn ban đầu, giờ đây, ông đã có thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh các xã vùng trọng điểm mía như Dũng Phong, Nam Phong, diện tích mía đang được mở rộng sang cả Bắc Phong, Yên Thượng, Thung Nai, Bình Thanh.
Không giấu được niềm vui, ông Thích cho chúng tôi biết: "Với giá bán tại gốc ổn định như hiện nay, người trồng mía lại chắc thắng. Cuộc sống sẽ vợi đi khó nhọc khi người dân chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm, biến ruộng hạn thành vườn mía tốt tươi".
Cũng như các địa phương khác trong huyện, Tây Phong là xã nghèo. Từ năm 2002, Đảng uỷ xã đề ra kế hoạch chọn mía làm cây trồng chủ lực. Nhận thấy rõ lợi ích của mía, bà con phấn khởi mở rộng diện tích. Đến nay, 90% số hộ dân trong xã sống bằng nông nghiệp và trồng mía. Những năm gần đây, diện tích mía của Tây Phong không ngừng được mở rộng, hiện đạt 285ha.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn ở xóm Tân Sơn (Tây Phong) cho biết: " Cả xóm có gần 100 hộ thì nhà nào cũng trồng mía. Tân Sơn là một trong những xóm đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình và đã được công nhận là Làng văn hoá cấp tỉnh". Chỉ tay về phía ngôi nhà hai tầng, ông Sơn nói tiếp: "Điển hình như gia đình anh Ngô Văn Vi trồng tới 3ha mía. Ngoài trồng mía, gia đình anh còn phát triển thêm chăn nuôi bò và làm dịch vụ xay xát, thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng".
Trên địa bàn xã đang xuất hiện ngày càng nhiều gia đình có thu nhập từ 70-80 triệu đồng/năm nhờ trồng mía. Điển hình như xóm Chao, một xóm người Dao không có đất ruộng, nhưng từ cây mía đã có tới 98% số hộ có nhà xây mái bằng. Không những thế, người Tây Phong còn đi thuê đất ở các huyện, xã lân cận để trồng mía làm giàu.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cao Phong, ông Phạm Hồng Quân cho biết: "Nhờ kỹ thuật canh tác mới, chất đất phù hợp nên chất lượng mía tím trồng trên đồi không hề thua kém, thậm chí còn cao hơn so với vùng bãi. Về hình thức, mía tím trồng trên đồi đẹp hơn, để được lâu hơn nên bán được giá hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có khoảng 500ha mía được bà con canh tác trên đồi. Vụ thu hoạch năm nay, nông dân trong huyện rất phấn khởi vì mía bán được giá. Giá mía bán tại vườn đạt 5.000 đồng/cây, thu nhập bình quân 165 triệu đồng/ha. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã thực sự thay đổi rồi nhà báo ạ".
Theo Kinh tế nông thôn


Báo cáo phân tích thị trường