Ở chợ nông sản Thủ Đức, rau củ quả về 2600 tấn trong ngày 20-5, trong đó rau lá là 1100 tấn, trái cây: 1500 tấn ngày, chỉ có lượng rau lá giảm chút ít do ảnh hưởng của mưa.
Tại các siêu thị thuộc hệ thống Coopmart giá bán các mặt hàng thiết yếu như gạo, rau, củ, quả, thịt lợn, gia cầm vẫn như bình thường. Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc khối mua cho biết, lượng hàng bán ra từ ngày 30-4 đến ngày 20-5 không thay đổi, giá nhiều mặt hàng vẫn ở trong diện khuyến mãi, giảm từ 5 đến 15%.
Theo bà Thu, từ đầu năm đến nay, hệ thống Coopmart giảm giá rất nhiều lần để khuyến khích tăng sức mua. Đến nay, giá nhiều mặt hàng vẫn không đổi, mặc dù một số nhà cung cấp đề nghị tăng giá, song Coopmart yêu cầu báo giá và lý do tăng. Hiện, dự trữ hàng hóa ở hệ thống kho Coopmart vẫn dồi dào, đủ sức cung ứng cho thị trường.
Tương tự, ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc Citimart cũng cho biết chưa tăng giá các mặt hàng bán ra, trong khi đó siêu thị BigC đang khuyến mãi hơn 100 mặt hàng kể từ ngày 20-5.
Tổng Giám đốc công ty Vissan Bùi Duy Đức cho biết, Vissan vẫn giữ ổn định giá bán ra từ Tết đến nay và sẽ kéo dài vài tháng nữa, mặc dù giá thịt lợn ngoài thị trường có dấu hiệu tăng.
Tại các siêu thị của Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) tại đường 3-2, và đường Nguyễn Huệ, giá nhiều mặt hàng vẫn bán ra bình thường.
Chị Nguyễn Đức Minh, một khách hàng ở chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3 cho biết:" Giá rau có tăng vì đang giao mùa, rau ở tỉnh về hỏng nhiều và do giá xăng tăng".
Chiều 20-5, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố HCM cho biết: “Tất cả các mặt hàng thiết yếu bán ra tại các siêu thị Coopmart, Satra, Vissan… vẫn ổn định.”
Theo chúng tôi tìm hiểu, giá “rập rình” tăng chủ yếu ở nhóm mặt hàng nhập khẩu do tỉ giá, vận chuyển, nguyên liệu tăng, trong đó hàng nhựa gia dụng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa tăng 5-15%.
Còn theo ông Lương Văn Vinh, Tổng Giám đốc công ty Mỹ Hảo, giá nguyên liệu đầu vào của sản phẩm hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa tăng 10-15% nhưng hiện nay nhà sản xuất mới bắt đầu mua vào nên chưa thể tính tới việc tăng giá sản phẩm bán ra. Các nhà sản xuất “muốn” tăng giá để bù vào số lỗ mấy tháng trước, ngoài ra một số nhà sản xuất dành chi phí cho quảng cáo, quản lý lớn nên tranh thủ sức mua mới nóng lên đã vội “đòi” tăng giá.