Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thực phẩm tăng mạnh theo giá vàng, đôla Mỹ
09 | 11 | 2010
Không chỉ lấy cớ nguồn cung gián đoạn do mưa lũ, giới kinh doanh còn mượn việc đôla, vàng và lương tăng để điều chỉnh giá.

Thị trường thực phẩm cả 2 miền Nam - Bắc bắt đầu lập mặt bằng giá mới, tăng 10-15% so với trước. Không chỉ lấy cớ nguồn cung gián đoạn do mưa lũ, giới kinh doanh còn mượn việc đôla, vàng và lương tăng để điều chỉnh giá.

Xuống giống chưa đến tuần, nông dân Đà Lạt đã được cầm tiền đặt hàng trước với giá rất cao. Thậm chí đang làm đất nhưng nhận trồng một loại rau nào đó, họ cũng được đưa tiền đặt cọc trước, miễn là phải đảm bảo chăm sóc chu đáo.

Chị Thanh - một nhà vườn ở phường 8, Đà Lạt cho biết đã có bạn hàng tới đặt mua với giá 1.500 đồng một gốc xà lách nhưng chưa bán, chờ người đến trả 1.800 đồng.

"Gieo tần ô (cải cúc) từ giữa tháng 10 tới nay và cứ xuống giống được một tuần là có người đưa tiền tới mua, thậm chí có đám đất mới gieo giống được 3 ngày cũng đã được cầm tiền", chị Thanh chia sẻ thêm. Hiện tại rau tần ô khoảng 3 tuần tuổi bán nguyên đám tại vườn với giá 7-8 triệu một sào.

Tại TP HCM, giá hàng hóa biến động mạnh trong nửa tháng trở lại đây. Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương, giá thay đổi từng ngày chứ không có xu hướng giảm hay đứng giá khiến các bà nội trợ "méo mặt" khi đi chợ.

Ngoài nguyên nhân xuất phát từ những trận bão lũ ở miền Trung khiến nhiều ha hoa màu bị hủy hoại, nhu cầu cứu trợ tăng cao khiến cung ít hơn cầu, thì vàng, USD tăng giá chóng mặt cũng được giải thích là lý do quan trọng khiến hàng hóa đắt đỏ.

Tăng mạnh nhất là mặt hàng rau củ quả. Cụ thể, bông cải xanh lên 50.000 đồng còn loại trắng chốt giá 42.000 đồng, trong khi tuần trước chỉ dao động 30.000 đồng một kg. Cải ngọt, cải xanh, dưa leo, cà chua, cà rốt cao hơn nửa tháng trước 3.000-5.000 đồng. Xà lách xoong, khoai tây Đà Lạt hét tới 40.000 đồng, tăng gần gấp đôi so với trước.

Trứng vịt đến tay người tiêu dùng ở mức 27.000 đồng một chục, loại nhỏ hơn cũng 25.000 đồng. Theo bà Tâm, tiểu thương chợ Thái Bình, quận 1, TP HCM: "Giá trứng tăng liên tục 10 ngày nay, cứ mỗi ngày nhích thêm vài trăm đồng để đến hôm nay mức giá lên gần 30.000 đồng".

Dầu ăn, đường đậu, gia vị, thịt gia súc, đậu hủ... cũng nhanh chóng thiết lập giá mới. Dầu ăn Simply bán ra 37.000 đồng, trong khi tuần trước chỉ 34.000 đồng, Meizan lên 28.200 đồng, thay vì 23.000 đồng như trước. Gạo thường tăng 2.000-3.000 đồng một kg (chủ yếu do nhu cầu cứu trợ vùng lũ tăng cao), trong khi gạo ngon chỉ lên nhẹ vài trăm đồng.

Đường Biên Hòa ở các chợ chào giá 23.000 đồng, đường bán lẻ là 21.000 đồng mỗi kg. Trong khi đó, giá bán bình ổn tại siêu thị Co.op mart, Big C chỉ khoảng 18.000-20.600 đồng, thấp hơn bên ngoài 2.000-5.000 đồng, nên người dân có xu hướng vào siêu thị mua khiến sức mua mặt hàng này tăng mạnh, thậm chí hết hàng để bán.

Tại Big C Miền Đông, quầy bán đường hết sạch mặc dù mỗi khách hàng chỉ được mua một gói một ngày. Siêu thị phải ra thông báo "Sản phẩm này tạm thời hết hàng. Mong quý khách thông cảm". Mỗi kg đường Thành Thành Công tại đây được bán với giá 17.900 đồng.

Còn ở Co.op mart Cống Quỳnh, quận 1, hầu như bà nội trợ nào sáng nay cũng ghé đến khu vực bán đường và mua tối đa số lượng siêu thị giới hạn (không quá 2 kg một lần - đường nhãn hiệu Thành Thành Công 18.000 đồng một kg). Siêu thị áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá 700 mặt hàng với mức giảm đến 50%. Đối với khách hàng là thành viên, VIP khi hóa đơn thanh toán 500.000 đồng sẽ được nhận thêm phiếu giảm giá các mặc hàng thiết yếu, trong đó có đường. Đây là nguyên nhân khiến sức tiêu thụ đường tăng cao tại siêu thị Co.op mart. Nhân viên phải liên tục vào kho lấy hàng.

Tại nhiều khu chợ ở Hà Nội, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng bắt đầu được điều chỉnh giá bán trong mấy ngày gần đây. Giá cả tăng được giới kinh doanh lý giải là do nguồn hàng khan hiếu, vận chuyển bị gián đoạn bởi các trận mưa lũ liên tiếp ở miền Trung. Bên cạnh đó, việc giá vàng, đôla cùng với các thông tin liên quan đến chuyện lương cơ bản sắp tăng là nguyên nhân khiến hầu hết các mặt hàng bị đội giá.

Khảo sát của VnExpress.net tại một số khu chợ ở Hà Nội như Nguyễn Công Trứ, Nam Đồng, Thái Thịnh, Đoàn Thị Điểm cho thấy giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống những ngày gần đây đều tăng giá. Hiện giá thịt lợn hơi thu mua tại các tỉnh phía Bắc về bán tại các chợ Hà Nội đã ở mức 28.000 -30.000 đồng mỗi kg; giá thịt lợn đùi ở mức 58.000 - 62.000 đồng mỗi kg, giá thịt nạc mông tăng 10.000 đồng, lên mức 63.000-65.000 đồng mỗi kg.

Không chỉ thịt lợn, giá thịt bò, gia cầm và thủy hải sản cũng tăng mạnh. Tại chợ Thành Công, Giảng Võ, giá thịt bò ở mức 135.000 -165.000 đồng nỗi kg, tăng hơn 10.000 đồng mỗi kg so với tháng trước. Giá gà ta sống tăng khoảng 10.000 đồng, lên 78.000 - 85.000 đồng mỗi kg. Giá thịt gà ta làm sẵn phổ biến ở mức 85.000 - 115.000 đồng mỗi kg. Giá thịt tăng kéo giá nhiều loại thủy sản như cá chép, cá trắm, tôm, cua và ngao cũng tăng thêm khoảng 10-15% so với đầu tháng 10.

Tại cuộc họp giao ban đầu tuần hôm qua, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thừa nhận thị trường giá cả hiện nay đang khá nóng, không chỉ thực phẩm mà cả giá gạo và một số mặt hàng quan trọng như sắt thép, xi măng, xăng dầu cũng đang có xu hướng nhích lên. Tại các chợ đầu mối, giá cả vẫn ổn định và kiểm soát được do nguồn cung dồi dào nhưng về đến chợ thì giá lại leo lên. Theo Bộ Công Thương, việc kiểm soát giá hiện nay đang gặp khó khăn, trong khi các điểm bán hàng bình ổn giá lại đang có dấu hiệu tràn lan, chưa đến đúng đối tượng người tiêu dùng. Giới kinh doanh đang mượn cớ vàng, đôla biến động để điều chỉnh giá bán.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường, Thủ tướng cũng vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị chứ năng thành lập các đoàn kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đăng ký giá, kê khai và niêm yết giá theo đúng quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm, phải xử lý kiên quyết và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.



Theo VnExpress
Báo cáo phân tích thị trường