Đây là một ghi nhận đáng kể với nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ. Sở dĩ tốc độ tăng CPI trong tháng này không thiết lập kỷ lục như hồi tháng 5, do yếu tố thổi CPI là cơn sốt lương thực của tháng trước đã không lặp lại. Những tin đồn về tăng giá xăng, vốn có hiệu ứng đẩy giá tiêu dùng lên cao cũng đã được đính chính lại. Một chuyên gia cho rằng, không có tác nhân gây đột biến và tâm lý được bình ổn trở lại của người dân là nguyên nhân quan trọng để giá tiêu dùng trở lại mức tăng tương đối ổn định, tuy vẫn là mức tăng khá cao (trên 2%).
Đứng đầu bảng vẫn là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 3,29% so với hồi tháng 5 và tăng tới 45,55% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp đáng kể vẫn là nhóm hàng lương thực (tăng 4,29% so với tháng trước), nhóm thực phẩm tăng nhẹ hơn với 3,05%. Tính chung 6 tháng, giá cả nhóm hàng này đã đắt đỏ hơn 33,05% cùng kỳ.
Các nhóm hàng có mức tăng mạnh ở các tháng trước như nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình, đồ uống và thuốc lá ở tháng này cũng đã giảm xuống, tuy không đáng kể (mức tăng tương ứng là 1,93%; 1,28% và 1,09% so với tháng trước). Các nhóm hàng khác đều có mức tăng dưới 1%, thấp nhất là nhóm phương tiện đi lại (chỉ tăng 0,35%).
Thừa Thiên Huế vươn lên thành địa phương đứng đầu về tốc độ tăng CPI trong tháng này (tăng 2,43%). Các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng cũng đều có tốc độ tăng khá cao so với mặt bằng chung (mức tăng tương ứng là 2,39%; 2,37% và 2,01%).
Tháng 6 đón nhận tốc độ tăng mạnh mẽ của chỉ số giá vàng và đôla Mỹ, hai mặt hàng này đều tăng trên 4%. Cụ thể, giá vàng trên thị trường có thời điểm đã tăng xấp xỉ 1,9 triệu đồng/lượng. Chỉ số giá của mặt hàng này cũng đã tăng thêm 4,36% trong tháng này. Đôla Mỹ cũng đón nhận cơn sốt mạnh, với sự khan hiếm đồng USD trên thị trường giao dịch đã đẩy giá USD tại thị trường chợ đen lên cao chót vót. Số liệu thống kê cho thấy, nhóm hàng này đã tăng 4,69% so với tháng trước. Tuy nhiên, giá trị thật của đồng đola đến tay người mua có thể sẽ cao hơn rất nhiều con số này.
Nỗ lực kiềm chế CPI của Chính phủ cuối cùng đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, 2,14% vẫn là con số khá cao, nên dù giá cả có giảm đi chút ít cũng không làm cho người dân thấy dễ thở hơn.