Năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khá cao (tăng 21,9% so với năm 2006), trong khi đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bùng phát (năm 2007 tăng gấp 2 lần so với năm 2006). Theo số liệu chính thức từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2008, nước ta tiếp nhận 487 dự án, với số vốn đăng ký 31,6 tỷ USD tăng 3,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đa số vốn FDI 6 tháng qua đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng (khoảng 9 tỷ USD gồm cả vốn cấp mới và tăng vốn), công nghiệp nhẹ (1,5 tỷ USD). Hình thức đầu tư chủ yếu là 100% vốn nước ngoài (19,5 tỷ USD), sau đó là liên doanh (10,2 tỷ USD).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, tình hình thu hút FDI cùng các chỉ số về lạm phát, giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… tháng 6-2008 chuyển biến tích cực, chứng tỏ, 8 nhóm giải pháp của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, phát triển ổn định kinh tế vĩ mô đã từng bước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa nhằm tháo gỡ các khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng cũng có những vấn đề cần đặt ra để xem xét một cách nghiêm túc như nhập siêu lớn, hiệu quả kinh tế chậm cải thiện, nền kinh tế thì có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn trong khi ít tiết kiệm hơn và dựa vào vốn nước ngoài. Tăng trưởng những tháng đầu năm 2008 có dấu hiệu chững lại. Điều lo ngại nhất là tỷ lệ lạm phát năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 cao kỷ lục trong vòng 12 năm qua. Nỗi lo ngại càng trở nên báo động hơn khi cán cân thương mại vãng lai những tháng đầu năm 2008 tiếp tục xấu, khiến cho khả năng tài trợ cho các khoản thâm hụt đó trở nên thiếu bền vững. Ngoài ra còn tác động về mặt xã hội: Việc gia nhập WTO năm 2007 chưa để lại dấu ấn đáng kể đối với tạo việc làm. Số lao động có việc làm năm 2007 tăng 2,3% so với năm 2006, trong khi con số này của năm 2006 là 2,7% so với năm 2005. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm, song tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lại tăng. Mặt khác khi lạm phát cao đã làm giảm thu nhập thực tế của nhiều nhóm xã hội. Về tác động đối với thể chế kinh tế: Quan hệ tương tác giữa cải cách trong nước, đặc biệt là việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế với tiến trình hội nhập, gia nhập WTO trở nên chặt chẽ hơn.
Thời gian qua đã để lại những dấu ấn đáng ghi nhớ không chỉ với nhiều chỉ số thống kê khác biệt đáng kể so với những năm trước, mà còn với cả những vấn đề thực tiễn mới nảy sinh ra hay chưa lường hết. Qua đó, chúng ta có thể đánh giá đúng mình hơn và rút ra được nhiều bài học có ý nghĩa cho công tác hoạch định và thực thi chính sách. Để tham gia WTO, Việt Nam không những phải tự hoàn thiện mà còn phải nghiêm túc thực hiện cam kết đó.